Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã HVN) vừa có văn bản giải trình về nguyên nhân, biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát.
Hãng hàng không quốc gia cho biết hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020, năm 2021 và quý I/2022 ghi lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất bị âm tại thời điểm 31/3.
Đó là lý do cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát. Vietnam Airlines khẳng định đây là nguyên nhân khách quan, bất khả kháng đối với hoạt động của tổng công ty và đã được giải trình cụ thể trong các văn bản báo cáo định kỳ trước đó.
Đối với thực trạng đó, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã chủ động xây dựng các giải pháp ngắn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại, cải thiện kết quả kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp tại Đề án cơ cấu lại Tổng công ty hàng không giai đoạn 2021-2025.
Riêng với năm 2022, các giải pháp sẽ hướng đến mục tiêu không tiếp tục bị lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất cuối năm 2022.
Cụ thể, giải pháp cấp bách bao gồm thực hiện đồng bộ các phương án: cải thiện kết quả kinh doanh, cơ cấu tài sản (bán máy bay, bán và thuê lại máy bay), thoái vốn một số công ty thành viên.
Tiếp đó, giai đoạn 2023-2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn chủ sở hữu để từng bước vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển.
Ban điều hành doanh nghiệp nhấn mạnh đã hoàn thành Đề án cơ cấu trên và đang gửi báo cáo lấy ý kiến cổ đông Nhà nước, các cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện để báo cáo Đại hội cổ đông thông qua. Đề án bao gồm 3 giải pháp lớn.
Đầu tiên là thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau.
Thứ hai là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền trong giai đoạn 2022-2024. Tổng công ty sẽ triển khai bán/bán và thuê lại các tàu bay cũ (sale and leaseback - nghiệp vụ S&L); thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính.
Cuối cùng là phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu, dự kiến thực hiện năm 2023-2024.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng lưu ý các giải pháp trên chỉ được triển khai sau khi Đề án cơ cấu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, cổ đông Nhà nước và ĐHĐCĐ cùng thông qua.
Trước đó hãng hàng không quốc gia cũng từng được "giải cứu" khi Quốc hội thông qua kế hoạch tăng vốn. Theo đó, doanh nghiệp đã thực hiện đợt tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng trong tháng 9/2021 (trong đó SCIC rót 6.880 tỷ đồng để mua cổ phần)
Sau phương án trên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 55,2% vốn, tiếp đến là SCIC có 31,14% cổ phần và Tập đoàn ANA là 5,62%.
Hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn đang gặp nhiều khó khăn từ đại dịch và giá nhiên liệu tăng cao. Doanh nghiệp vừa báo lỗ 2.686 tỷ đồng trong quý đầu năm và đã là quý lỗ thứ 9 liên tiếp của hãng.
Theo đó con số lỗ lũy kế đã vượt 24.500 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) và vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng tại ngày kết thúc quý I. Thực trạng đó khiến Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên HoSE theo quy định.
PV