Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan nhưng xếp trên Philippines, Myanmar và Campuchia. So với danh sách được Agility công bố năm ngoái, năm nay, Việt Nam tụt 3 bậc từ hạng 8 xuống hạng 11.
Dù gặp khó khăn trong đại dịch, ngành vẫn phát triển nhờ việc tận dụng hiệu quả của các doanh nghiệp trong các Hiệp định Thương mại tự do.
Cùng với đó, sự tăng trưởng kinh tế, sản xuất và tiêu dùng trong nước, sự bùng nổ thương mại điện tử đã mang lại những cơ hội thực sự cho ngành.
Ảnh minh họa.
Bảng xếp hạng các thị trường logistics mới nổi của Agility được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí gồm: cơ hội logistics trong nước, cơ hội logistics quốc tế, chỉ số kỹ thuật số, nguyên tắc kinh doanh.
Xét trên yếu tố các cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Thứ hạng này được lý giải do các doanh nghiệp quốc tế đang tìm cách đa dạng hóa các lựa chọn về nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Lĩnh vực logistics của Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của các trang tin quốc tế tuần qua. Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và các hoạt động xuất nhập khẩu sôi động là động lực chính thúc đẩy vận tải biển Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới logistics toàn cầu.
Nhu cầu giao thương gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cũng là yếu tố thúc đẩy sự hình thành các tuyến vận tải biển mới.
Đưa tin về sự kiện khai trương tuyến tàu biển kết nối miền Trung Việt Nam với Ấn Độ, trang tin Economics Times cho biết, tuyến vận tải biển này sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển giữa 2 nước xuống từ 21 - 22 ngày xuống còn 14 - 15 ngày, từ đó mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có tiềm năng dồi dào để phát triển thị trường logistics thương mại điện tử. Việt Nam có thể phát triển một ngành công nghiệp hậu cần hiệu quả bằng cách nắm bắt các cơ hội phát sinh từ thương mại điện tử và thích ứng với công nghệ hiện đại.
Ngọc Phi