Giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay tiếp tục giữ ổn định với mặt hàng gạo, trong khi đó, giá lúa đồng loạt giảm sau nhiều ngày đi ngang.
![]() |
Giá lúa gạo hôm nay 1/7/2025: Giá lúa đồng loạt giảm, giá gạo ổn định |
Giá gạo trong nước
Trong phiên giao dịch sáng nay 1/7, giá gạo nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 hiện ở mức 8.100 – 8.200 đồng/kg; gạo nguyên liệu CL 555 giao dịch ở mức 8.300 – 8.400 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu OM 380 giữ ổn định trong khoảng 7.850 – 7.900 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 có giá 9.000 – 9.150 đồng/kg…
Tại các chợ dân sinh, mặt hàng gạo bán lẻ không biến động. Cụ thể, gạo thường hiện ở mức 13.000 – 14.000 đồng/kg; gạo thường giao dịch ở mức 13.000 – 14.000 đồng/kg; gạo thơm Thái 20.000 - 22.000 đồng/kg; Hương Lài niêm yết 22.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen vẫn giữ mức cao nhất với giá 28.000 đồng/kg.
![]() |
Bảng giá gạo hôm nay 1/7/2025 |
Phân khúc nếp duy trì đi ngang. Cụ thể, giá nếp IR 4625 tươi hiện thu mua ở mức 7.300 – 7.500 đồng/kg; nếp IR 4625 (khô) duy trì ở mức 9.500 – 9.700 đồng/kg; nếp 3 tháng khô ở mức 9.600 – 9.700 đồng/kg.
![]() |
Bảng giá nếp hôm nay 1/7/2025 |
Mặt hàng phụ phẩm
Mặt hàng phụ phẩm không thay đổi so với phiên hôm qua. Cụ thể, giá cám hiện dao động ở mức 8.100 – 8.250 đồng/kg. Trong khi giá tấm giữ ổn định ở mức 7.200 – 7.400 đồng/kg; giá trấu hiện ở mức 1.000 - 1.150 đồng/kg.
![]() |
Bảng giá phụ phẩm hôm nay 1/7/2025 |
Giá lúa trong nước
Theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa đồng loạt giảm so với hôm qua. Cụ thể, lúa Đài Thơm 8 (tươi) giảm 300 đồng/kg, hiện dao động từ 5.500 – 5.600 đồng/kg; lúa OM 18 (tươi) cũng giảm 300 đồng/kg, xuống còn 5.600 – 5.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ghi nhận mức giảm 200 đồng/kg, còn 5.500 – 5.700 đồng/kg; lúa IR 50404 giảm 200 đồng/kg, xuống mức 5.100 – 5.300 đồng/kg.
![]() |
Bảng giá lúa hôm nay 1/7/2025 |
Tại thị trường xuất khẩu
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay không đổi so với phiên hôm qua. Cụ thể, gạo 25% tấm ở mức 358 USD/tấn; gạo 100% tấm dao động trong khoảng 317 USD/tấn; giá gạo 5% tấm hiện ở mức 383 USD/tấn, không đổi so với cuối tuần trước.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Thái Lan và Pakistan được chào bán ở mức cao hơn là 388 USD/tấn. Riêng tại Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đang báo giá gạo 5% tấm ở mức 380 USD/tấn - thấp nhất trên thị trường.
Lượng gạo dự trữ của Ấn Độ hiện đang ở mức cao nhất trong ít nhất hai thập kỷ, tương đương hơn 10% sản lượng toàn cầu hàng năm. Trong bối cảnh một vụ mùa kỷ lục khác sắp đến gần, nước này đối mặt với nguy cơ “quá tải kho” – một nghịch lý khi thành tích sản xuất lại trở thành thách thức lớn nhất của ngành lương thực.
Theo Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI), lượng tồn kho trong tháng 6 đã lên tới gần 39 triệu tấn, trong đó có hơn 32 triệu tấn thóc chưa xay xát – tương đương khoảng 23 triệu tấn gạo thành phẩm. Các kho công cộng bắt đầu quá tải, trong khi chính phủ lo ngại gạo sẽ phải lưu trữ ngoài trời, đối mặt với rủi ro hư hỏng do độ ẩm và mưa.
Dự báo thời tiết lạc quan càng khiến tình hình thêm căng thẳng. Nhờ gió mùa đến sớm, diện tích trồng lúa tại Ấn Độ tính đến ngày 20/6 đã tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. FAO nhận định vụ mùa 2025–2026 nhiều khả năng tiếp tục phá kỷ lục, đẩy áp lực lên hệ thống lưu trữ vốn đã chật kín.
Trong khi đó, giá gạo thế giới lại đang giảm mạnh. Việc Ấn Độ nới lỏng hạn chế xuất khẩu gần đây đã kéo giá gạo Thái Lan – chỉ số chuẩn khu vực – giảm gần 40% so với đỉnh đầu năm. Tuy nhiên, lượng gạo dư thừa vẫn không dễ tiêu thụ hết, bởi cầu thế giới có dấu hiệu chững lại và cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu khác đang gia tăng.
Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách xử lý khối lượng gạo dư thừa thông qua các chương trình an sinh và giải pháp tạm thời như chuyển 2,4 triệu tấn gạo sang làm nguyên liệu sản xuất ethanol. Tuy vậy, đây chỉ là biện pháp ngắn hạn, chưa đủ để giải quyết tận gốc vấn đề mất cân đối cung – cầu.
Chuyên gia FAO cảnh báo, Ấn Độ có tác động lớn đến thị trường gạo toàn cầu, nhưng sức ép từ tồn kho sẽ còn kéo dài nếu nước này không sớm điều chỉnh chính sách thu mua, lưu trữ và phân phối, hướng tới một hệ thống lương thực bền vững hơn.