Công ty tư vấn Knight Frank (Anh) vừa phát hành Báo cáo Thịnh vượng hé lộ tiêu chuẩn để đứng vào hàng ngũ 1% những người giàu nhất thế giới.
Theo báo cáo, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Singapore là quốc gia dẫn đầu với giá trị tài sản yêu cầu trung bình 5,2 triệu USD. Đảo quốc này cũng rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ giới nhà giàu Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Dù vậy, Hồng Kông vẫn là điểm đến hàng đầu cho giới thượng lưu từ Trung Quốc đại lục.
Riêng Việt Nam, người siêu giàu là những cá nhân sở hữu tài sản từ 30 triệu USD trở lên được ước tính khoảng 752 người vào năm 2023, tăng 2,4% so với năm trước đó. Mô hình Định giá Tài sản của Knight Frank là mô hình động, do vậy số liệu có thể thay đổi và không đồng nhất với số liệu trong bản in hoặc trong các ấn bản trước đó.
Tại Đông Nam Á, tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức tăng 0,8% của Thái Lan, nhưng thấp hơn mức 4,3% của Malaysia và 4,2% của Indonesia, hay 4% của Singapore.
Tuy nhiên, theo Knight Frank, từ năm 2023 tới 2028, tốc độ gia tăng người siêu giàu tại Việt Nam nhanh hàng đầu thế giới, đứng thứ 5 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương (với mức tăng 30%), chỉ xếp sau Ấn Độ (+50,1%), Trung Quốc (+47%), Thổ Nhĩ Kỳ (+42,9%), Malaysia (+34,6%).
Tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam được dự báo cao hơn Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore trong giai đoạn 2023-2028.
Theo Knight Frank, tới năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 người siêu giàu.
Cũng theo công ty tư vấn và kinh doanh bất động sản toàn cầu có trụ sở tại London, giới nhà giàu và siêu giàu châu Á vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho đầu tư xa xỉ.
Việc nhập khẩu đồ xa xỉ tại Việt Nam được ghi nhận tăng rất cao, nhất là với xe sang, trang sức,... Tốc độ tăng trưởng người siêu giàu tại Việt Nam được ghi nhận khá cao trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá tốt so với thế giới và tầng lớp trung lưu tăng mạnh.
Danh sách 752 người siêu giàu Việt trong năm 2023 không được Knight Frank công bố. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, có khoảng 180 doanh nhân và người liên quan có tài sản quy từ cổ phiếu có giá trị trên 30 triệu USD, trong đó có 6 tỷ phú USD.
Xét trên phạm vi toàn cầu, thì hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn đang áp đảo. Kết thúc năm 2023, Mỹ sở hữu hơn 225.000 cá nhân siêu giàu, cao gấp 2 lần so với Trung Quốc.
Trong đó, dẫn đầu tăng trưởng là Bắc Mỹ (tăng 7,2%) và Trung Đông (6,2%), chỉ có Mỹ Latinh chứng kiến số lượng người giàu giảm. Trái ngược với đó, châu Âu tụt hậu về mặt tạo ra tài sản mới, lục địa này vẫn là nơi sinh sống của 1% người giàu nhất.
Knight Frank đánh giá hầu hết các nền kinh tế lớn đều tránh được suy thoái vào năm ngoái. Trên thực tế, GDP toàn cầu vẫn tăng trưởng với tốc độ lành mạnh khoảng 3,1%.
Đáng chú ý, các nền kinh tế mới nổi và khu vực châu Á là động lực dẫn dắt tăng trưởng. Trong bối cảnh nền kinh tế trụ vững bất chấp lãi suất tăng cao và môi trường đầu tư khởi sắc, số lượng cá nhân siêu giàu trên toàn cầu đã tăng 4,2% vào năm 2023, lên hơn 626.600 người - qua đó đảo ngược đà giảm của năm 2022.
"Chúng tôi xác nhận kỳ vọng của mình rằng số lượng cá nhân giàu có trên toàn cầu sẽ tăng 28,1% trong 5 năm tính đến năm 2028. Mô hình của chúng tôi chỉ ra sự vượt trội mạnh mẽ từ châu Á, với mức tăng trưởng cao ở Ấn Độ (50%) và Trung Quốc đại lục (47%)", báo cáo nhận định.
Thu Trang (t/h)