Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của một số ngành trọng điểm đều sụt giảm, trong đó ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 10,4%. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm 17,3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 8,9%.
“Nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ hết sạch đơn hàng từ tháng 6 tới. Do đó, kim ngạch xuất khẩu trong quý 2 sẽ còn tệ hơn quý 1 (suy giảm 9,75% so với cùng kỳ)”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết.
Lý giải sự sụt giảm này, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng từ cuối năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp điện tử đã giảm dần do những tác động của kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nói chung, trong đó có điện tử giảm theo. Dự báo, trong năm nay, thị trường sản lượng điện tử toàn cầu suy giảm 16%.
Cùng với sự sụt giảm của thị trường, việc các chính sách không theo kịp sự thay đổi cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, như chính sách giảm 2% thuế VAT vẫn chưa được ban hành. Hiện, nhiều doanh nghiệp điện tử đã phải thu hẹp quy mô, tối ưu chi phí nhằm nỗ lực duy trì hoạt động, đại diện VEIA thông tin.
Trong tháng có 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên/nhóm. Tuy nhiên có đến 6/7 nhóm có kim ngạch sụt giảm gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ.
Đáng chú ý, các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ các ngành hàng xuất khẩu như điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may, da giày… giảm sâu ở mức hai con số. Thậm chí, điện thoại và linh kiện giảm đến 66%, chỉ đạt 2,52 tỷ USD.
PV (t/h)