Về vấn đề rà soát lại phán quyết trọng tài

15:09 19/01/2022

Theo Luật trọng tài thương mại 2010 (LTTTM), Phán quyết Trọng tài (PQTT) là quyết định của Hội đồng Trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

PQTT phải được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu quy định tại Khoản 1 Điều 61 LTTTM. Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số, trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì PQTT được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. PQTT được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng. Do PQTT là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành, một bên trong vụ kiện chỉ có quyền yêu cầu hủy PQTT trong thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 69 LTTTM (30 ngày kể từ ngày nhận được PQTT) khi có căn cứ hủy PQTT quy định tại Điều 68 LTTTM.

Vậy, quan hệ giữa tổ chức trọng tài với Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp như thế nào trong quá trình lập và ra PQTT? Tổ chức trọng tài có thực hiện quy trình rà soát lại PQTT trước khi ban hành không? Quy trình rà soát lại như thế nào? Nội dung rà soát lại là gì? Việc rà soát lại PQTT liệu có ảnh hưởng đến tính độc lập trong việc lập và ra phán quyết của Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ tranh chấp hay không? Dưới đây là một số ý kiến về vấn đề rà soát lại PQTT, với mong muốn doanh nghiệp nắm bắt về vấn đề này khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.

Tìm hiểu quy tắc tố tụng trọng tài của các tổ chức trọng tài tại Việt Nam đều không thấy thông tin được công bố hoặc minh thị về trình tự và thao tác kỹ thuật cụ thể về quy trình lập, rà soát lại và ra PQTT. Tập hợp thông tin được biết, một số tổ chức trọng tài nước ngoài hiện nay, như Viện trọng tài quốc tế Luân Đôn (LCIA), Hiệp hội trọng tài Hoa Kỳ (AAA) và Trung tâm Trọng tài quốc tế Hồng Kong (HKIAC) đã bỏ đi quy trình rà soát lại PQTT. Vì cho rằng, nếu áp dụng quy trình rà soát lại PQTT do Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp lập, đặc biệt là rà soát lại nội dung nhận định và phán quyết sẽ ảnh hưởng đến tính độc lập của các trọng tài viên và tính độc lập của Hội đồng trọng tài đã được các bên lựa chọn. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng việc áp dụng quy trình rà soát lại PQTT là trình tự phúc thẩm nội bộ, can thiệp thô bạo vào thẩm quyền xem xét, giải quyết nội dung vụ tranh chấp của Hội đồng trọng tài. Ngược lại, nhiều tổ chức trọng tài nước ngoài hoặc quốc tế hàng đầu, như Tòa trọng tài thương mại quốc tế (ICC), Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), Viện trọng tài quốc tế Thâm Quyến (SCIA), Ủy ban trọng tài kinh tế thương mại quốc tế Trung Quốc (CIETAC) vẫn kiên trì áp dụng quy trình rà soát lại PQTT. Với ICC, là một tổ chức trọng tài quốc tế lừng danh, cho đến nay ICC vẫn coi quy trình rà soát lại PQTT là nền tảng của ICC về dịch vụ trọng tài và quản lý vụ kiện, nhằm đảm bảo phán quyết của ICC được công nhận và thi hành rộng rãi trên thế giới.

Điều 34 Quy tắc tố tụng trọng tài ICC quy định: “Trước khi Hội đồng trọng tài ký ban hành PQTT phải gửi dự thảo PQTT tới Tòa trọng tài. Tòa trọng tài có thể tiến hành sửa đổi hình thức của bản phán quyết (The form of the award), đồng thời với điều kiện không làm ảnh hưởng tới quyền tự quyết định của Hội đồng trọng tài sẽ cảnh báo Hội đồng trọng tài những vấn đề chú ý thực chất (points of substance). Hội đồng trọng tài không được ra PQTT khi chưa được Tòa trọng tài phê chuẩn (approved)”. Với quy định tại Điều 34 này, rõ ràng, trường hợp chưa được Tòa trọng tài ICC rà soát lại và thông qua thì Hội đồng trọng tài không được ra PQTT. Tại ICC mỹ từ “Rà soát lại” (Scrutiny) thực chất là quyền phê chuẩn tối cao của Tòa trọng tài đối với PQTT.

Tại Bản hướng dẫn cho các bên và hội đồng trọng tài về việc tiến hành tố tụng trọng tài theo Quy tắc tố tụng trọng tài của ICC phiên bản 2017 (nguồn: https://dzungsrt.com/2020/10/05/ban-dich-huong-dan-cua-icc-icc-notes), trong chương IX quy định: “... HĐTT phải thông báo cho Ban thư ký và các bên về ngày dự kiến nộp dự thảo phán quyết để Tòa trọng tài rà soát lại (Điều 34)”. Quy trình rà soát lại được Tòa trọng tài tiến hành với sự trợ giúp của Ban thư ký, là một thủ tục duy nhất và toàn diện được xây dựng, nhằm đảm bảo mọi phán quyết đều đạt chất lượng tốt nhất có thể và sẽ có khả năng được các tòa án quốc gia cho thi hành. Mọi dự thảo phán quyết đều phải qua ba bước kiểm tra theo quy trình lần lượt như sau: (1) Chuyên viên của nhóm phụ trách vụ kiện trọng tài đã theo sát thủ tục tố tụng kể từ khi bắt đầu vụ kiện trọng tài; (2) Rà soát bởi Tổng thư ký, Phó Tổng thư ký hoặc Cố vấn trưởng; (3) Rà soát bởi Tòa trọng tài. Đối với một số vụ kiện trọng tài nhất định, thường là vụ việc liên quan các bên là quốc gia hoặc có các ý kiến bất đồng, một thành viên của Tòa trọng tài sẽ soạn thảo một báo cáo khuyến nghị đối với dự thảo phán quyết. Và, mọi dự thảo phán quyết được rà soát tại phiên họp của Tòa trọng tài gồm ba thành viên Tòa trọng tài hoặc tại phiên họp toàn thể của Tòa trọng tài. Các dự thảo phán quyết được xem xét tại phiên họp toàn thể bao gồm, nhưng không giới hạn, những vụ việc liên quan đến một quốc gia hoặc một cơ quan nhà nước, những vụ việc mà một hoặc nhiều trọng tài viên bất đồng quan điểm, những vụ việc làm nảy sinh các vấn đề chính sách và những vụ việc mà phiên họp của Ủy ban đã không thể đạt được sự nhất trí hoặc kỳ họp quyết định đưa ra giải quyết tại Phiên họp toàn thể. Tại trường 104 của Bản hướng dẫn này quy định, sau khi nhận được dự thảo phán quyết, ban thư ký sẽ thông báo ngay cho các bên và Hội đồng trọng tài về việc dự thảo sẽ được rà soát lại tại một trong những phiên họp tiếp theo của Tòa trọng tài. Sau quá trình rà soát lại, Ban thư ký thông báo cho các bên và hội đồng trọng tài về việc phán quyết đó đã được chấp nhận hay sẽ được xem xét kỹ hơn tại một phiên họp kế tiếp của Tòa trọng tài. Mọi dự thảo phán quyết gửi Tòa trọng tài sẽ được xem xét trong vòng từ ba đến bốn tuần kể từ khi ban thư ký nhận được. Do phiên họp toàn thể của Tòa trọng tài chỉ được tổ chức mỗi tháng một lần (thường là thứ năm cuối cùng của tháng), nên thời gian cần thiết để rà soát lại toàn bộ dự thảo sẽ phụ thuộc vào thời điểm dự thảo được đệ trình và có thể mất 5 đến 6 tuần.

Về danh mục kiểm tra (check list) đối với phán quyết của ICC, theo Bản hướng dẫn là nhằm cung cấp cho trọng tài viên những hướng dẫn cần thiết khi soạn thảo phán quyết, không phải là danh mục đầy đủ hoặc có tính bắt buộc, cũng không phản ánh ý kiến của các thành viên Tòa trọng tài hay của ban thư ký, không bao hàm đầy đủ những vấn đề mà Tòa trọng tài có thể nêu ra theo Điều 34. Danh mục này không được công bố hay sử dụng cho bất kỳ mục đích nào ngoài việc tiến hành tố tụng trọng tài của ICC.

Không có số liệu thống kê chính thức từ các tổ chức trọng tài về việc rà soát lại PQTT, có bao nhiêu ý kiến rà soát lại về hình thức của phán quyết và bao nhiêu ý kiến rà soát lại về nội dung của phán quyết? Có thể những vấn đề mà các tổ chức trọng tài thường gặp phải khi tiến hành rà soát lại phán quyết, như: (1) Quá trình tố tụng trọng tài. Một số tình tiết trong việc gửi thông báo, đơn khởi kiện và các văn thư tố tụng trọng tài mà hội đồng trọng tài không nắm được, cần tổ chức trọng tài đối chiếu chi tiết văn bản đã được gửi đến các bên. Phán quyết có thể hiện đầy đủ, chính xác trình tự tố tụng trọng tài không?; (2) Số tiền phải trả, tiền lãi, tiền phạt, tiền bồi thường được tính trong phán quyết có chính xác hay không? (3) Từng nội dung trong phán quyết có được lập luận đầy đủ, chặt chẽ không, phán quyết có vượt quá yêu cầu khởi kiện hoặc không phán quyết đối với yêu cầu khởi kiện; (4) Nội dung trình bày sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện hoặc trái với yêu cầu khởi kiện, mà hội đồng trọng tài có thể bỏ qua; (5) Thể hiện câu chữ trong dự thảo phán quyết liệu có làm phát sinh tranh chấp, làm cho một bên có căn cứ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; (6) Về phần chi phí của bên thua kiện phải chịu, nhất là phí trọng tài liệu đã được phân bổ đúng và hợp lý nhất. Nếu nhìn từ góc độ này thì có thể thấy quy trình rà soát lại phán quyết trọng tài là cần thiết, bao gồm việc rà soát lại về trình tự tố tụng, tính an toàn của phán quyết và khả năng thi hành, để giúp cho Hội đồng trọng tài hoàn thiện bản phán quyết.

Luật sư Bùi Văn Thành - Văn phòng luật sư Mặt Trời Mới