Tính bảo mật cũng là tập quán trọng tài truyền thống và được tôn trọng rộng rãi ở các quốc gia khác nhau, đã được quy định tại văn bản pháp luật liên quan và tại hầu hết quy tắc tố tụng trọng tài của các tổ chức trọng tài trong nước và quốc tế. Tại Việt Nam, về quy định của luật, điều 4 “Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài” của Luật trọng tài thương mại năm 2010 (LTTTM), khoản 4 quy định: “Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”, và tại khoản 5 điều 21 “Quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên” quy định trọng tài viên có nghĩa vụ: “Giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.
Nội dung bảo mật trong trọng tài có thể hiểu bao gồm: (1) Các bên tranh chấp là cá nhân, cơ quan, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia tố tụng trọng tài với tư cách nguyên đơn, bị đơn. Tố tụng trọng tài không có bên có quyền và nghĩa vụ có liên quan, không có bên thứ ba; (2) Tổ chức trọng tài quy chế hoặc hội đồng trọng tài vụ việc, trọng tài viên, các bên trong vụ tranh chấp có nghĩa vụ bảo mật toàn bộ quá trình tố tụng trọng tài, không công khai. Bao gồm đơn khởi kiện, hồ sơ khởi kiện của nguyên đơn, bản tự bảo vệ, đơn kiện lại của bị đơn chỉ được gửi đến bên kia (bị đơn hoặc nguyên đơn), gửi đến hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp thông qua ban thư ký của tổ chức trọng tài; (3) Thành phần tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp chỉ có nguyên đơn, bị đơn và/hoặc người đại diện của họ. Các bên có quyền mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, mời người làm chứng tham gia phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, nhưng phải thông báo cho hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp vào trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Hội đồng trọng tài tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên, có quyền mời tổ chức, cá nhân giám định, định giá tài sản và chuyên gia tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Nội dung này thể hiện, hội đồng trọng tài tôn trọng quyền bảo mật thông tin theo thỏa thuận của các bên trong quá trình tố tụng trọng tài; (4) Trọng tài viên có nghĩa vụ bảo mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Trọng tài viên phải tuyên bố về tính độc lập, vô tư của mình trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp. Trong quá trình tố tụng trọng tài, trọng tài viên không được gặp hoặc liên lạc riêng với bất kỳ bên nào; không bên nào được gặp hoặc liên lạc riêng với trọng tài viên để trao đổi các vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp. Qui định này giúp cho tố tụng trọng tài được bảo mật hơn, vô tư và minh bạch hơn. Đây cũng là điểm khác biệt căn bản với tố tụng dân sự tại tòa án, theo Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thẩm phán được gặp gỡ, ghi lời khai, yêu cầu giao nộp chứng cứ, tiếp xúc trực tiếp… với tất cả những người tham gia tố tụng, như nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người có yêu cầu độc lập…; (5) Các phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, bao gồm cả phiên họp cuối cùng đều không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; (6) Phán quyết trọng tài chỉ được gửi cho nguyên đơn và bị đơn, có hiệu lực chung thẩm và buộc nguyên đơn và bị đơn phải thực hiện. Điều 34 của Bộ quy tắc trọng tài của Uncitrial cũng quy định: “Phán quyết trọng tài chỉ được công khai nếu có sự nhất trí của các bên tham gia”.
Về chế tài xử phạt hành chính đối với trọng tài viên, tại khoản 2 điều 26 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định: “2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Tiết lộ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Tính bảo mật trong trọng tài có ý nghĩa với các bên tranh chấp trên các khía cạnh sau:
1.Duy trì uy tín kinh doanh: Doanh nghiệp lựa chọn trọng tài để tránh tranh chấp bị công khai, qua đó có thể gây tổn hại đến uy tín kinh doanh của chính họ hoặc có lợi cho đối thủ cạnh tranh của họ. Không phải lúc nào công chúng cũng có thái độ vô tư và khách quan đối với các bên tranh chấp. Uy tín trong kinh doanh của doanh nghiệp liên quan chặt chẽ với thị trường tài chính, chứng khoán, giá cổ phiếu và việc cung cấp tài trợ tín dụng từ ngân hàng. Tính bảo mật trong trọng tài cho phép các bên giải quyết tranh chấp một cách riêng tư đối với các yêu cầu và kết quả giải quyết vụ kiện, tránh được việc đưa tin hoặc bình luận của truyền thông báo chí. Một bên khi thua kiện vẫn giữ được uy tín, bí mật kinh doanh, nội dung tranh chấp…, điều này giúp ích cho doanh nghiệp giữ được uy tín kinh doanh của mình.
2. Tránh để doanh nghiệp phát sinh nhiều tranh chấp hơn: Doanh nghiệp rất có thể sẽ có những tranh chấp tương tự trong quá trình đầu tư kinh doanh. Nếu một trong những tranh chấp đã bị khởi kiện, nếu không phải là giải quyết bằng trọng tài mà tại tòa án, thì các yêu cầu, tình tiết và nội dung của vụ tranh chấp đó rất có thể bị các bên khác trong các tranh chấp tương tự biết, họ có thể dễ dàng sử dụng các nhận định, bằng chứng, quyết định trong bản án đã có để bắt đầu một vụ kiện tương tự. Tính bảo mật của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể làm giảm đơn khởi kiện, yêu cầu khởi kiện của các vụ kiện tương tự.
3. Ý nghĩa chính trị: Nguồn gốc thành lập các doanh nghiệp nhà nước thường có có yếu tố chính trị, nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, do đó tính bảo mật quá trình đầu tư kinh doanh thường được đặt biệt chú ý. Trường hợp phát sinh tranh chấp từ dự án liên quan đến quốc kế dân sinh, rất có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế chính trị trong nước. Do đó, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với tính bảo mật vốn có thường được các doanh nghiệp nhà nước đầu tư kinh doanh ở nước ngoài lựa chọn.
Vậy, nội dung và ý nghĩa của tính bảo mật trong trọng tài đã đáp ứng yêu cầu bảo mật của các bên? Tính bảo mật trong trọng tài chỉ là các tuyên bố về nguyên tắc hay là một một nghĩa vụ buộc phải thực hiện? Có cần hoàn thiện các quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo mật trong trọng tài? Chế tài xử lý khi một bên tranh chấp vi phạm nghĩa vụ bảo mật trong trọng tài? Việc duy trì tính bảo mật trong trọng tài khi thi hành phán quyết trọng tài? Ngoài ra một số vấn đề sau cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, trao đổi làm rõ: (1) LTTTM chưa quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo mật của các bên tranh chấp, của người phiên dịch, người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chế tài xử lý trong trường hợp một bên vi phạm nghĩa vụ bảo mật. Một bên có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được do bên kia vi phạm nghĩa vụ bảo mật? (2) Phán quyết trọng tài (PQTT) chỉ được gửi đến cho nguyên đơn và bị đơn. Tuy nhiên, rất khó duy trì tính bảo mật của PQTT sau khi các bên tranh chấp đã nhận được PQTT. Liệu một bên tranh chấp tự mình gửi PQTT cho bên thứ ba, cho cơ quan thi hành án, cho báo chí truyền thông…có bị coi là vi phạm nghĩa vụ bảo mật trong trọng tài hay không? Chế tài xử lý trong trường hợp này? (3) Một bên khi không có căn cứ chứng minh một trong những trường hợp hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại khoản 2 (trừ nghĩa vụ chứng minh trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2) điều 68 LTTTM, nhưng có đơn yêu cầu tòa án hủy PQTT, liệu Tòa án có quyết định không chấp nhận yêu cầu hủy PQTT vì lý do yêu cầu hủy đã vi phạm nguyên tắc bảo mật trong trọng tài?.
Luật sư Bùi Văn Thành -Trưởng Văn phòng luật sư Mặt Trời Mới