Dưới đây là một số lưu ý cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế khi phát sinh trở ngại thực hiện hợp đồng do đại dịch Covid-19, trong khuôn khổ CISG mà Việt Nam là thành viên đầy đủ của Công ước này.
Nguyên tắc cơ bản của CISG là tự thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về trở ngại thực hiện hợp đồng do dịch bệnh Covid 19 gây ra, thì thỏa thuận đó phải được các bên tôn trọng thực hiện. Trường hợp không có thỏa thuận, một bên sẽ áp dụng nội dung “trở ngại” để yêu cầu miễn trách nhiệm theo điều 79 của CISG như thế nào?
Trước hết, khi phát sinh “trở ngại”, bên đó phải chứng minh “trở ngại” phù hợp với 4 điều kiện dưới đây: (1) nằm ngoài khả năng kiểm soát của bên đó; (2) trở ngại không thể tiên liệu một cách hợp lý vào thời điểm giao kết hợp đồng; (3) không thể khắc phục được trở ngại đó hoặc hậu quả của nó; (4) trở ngại và việc thực hiện hợp đồng có mối quan hệ nhân quả.
Nhằm xác định trở ngại “nằm ngoài khả năng kiểm soát của bên đó”, là trở ngại nằm ngoài loại trở ngại mà bên đó có khả năng kiểm soát được. Do đó, cần xác định loại trở ngại bên đó có thể kiểm soát được, như trở ngại có liên quan đến việc tổ chức sản xuất, mua sắm của bên đó, điều kiện về nhân sự, thiết bị, công nghệ và bố trí vốn...Trong thực tiễn, những trở ngại nằm ngoài khả năng kiểm soát có thể bao gồm quyết định của chính phủ, hành vi của chính phủ về biện pháp bắt buộc để phòng chống dịch được ban hành trong tình hình đặc thù.
Trường hợp “trở ngại không thể tiên liệu một cách hợp lý vào thời điểm giao kết hợp đồng”, nếu một bên có thể tiên liệu trở ngại trước hoặc khi ký hợp đồng, thì nếu có rủi ro phát sinh bên đó phải tự chịu trách nhiệm. Ví dụ, tại thời điểm ký hợp đồng vào tháng 8/2021, khi ký hợp đồng các bên đều có thể tiên liệu hợp lý về thời gian dãn cách hoặc cách ly theo quyết định của chính phủ trung ương hoặc của chính phủ địa phương trong phòng chống Covid, các bên không có thỏa thuận riêng về miễn trách nhiệm trong thời gian này, thì rủi ro phát sinh từ trở ngại thực hiện hợp đồng trong thời gian dãn cách hoặc cách ly này do bên đó tự chịu trách nhiệm.
Trường hợp một bên có thể cung cấp sản phẩm thay thế hợp lý về mặt thương mại để phòng ngừa hoặc khắc phục hợp lý, có thể sẽ không được miễn trách nhiệm. Ví dụ, bên bán yêu cầu được miễn trách nhiệm với lý do “trở ngại” là bộ linh kiện chủ yếu để chế tạo máy của nhà cung cấp bị dừng sản xuất, tòa án hoặc trọng tài trên cơ sở nhận định bên bán có thể mua bộ linh kiện chủ yếu đó từ nhà cung cấp khác để thay thế, lắp đặt máy và tiếp tục có khả năng cung cấp hàng, để làm căn cứ bác bỏ yêu cầu miễn trách nhiệm. Việc các nhà máy trong chuỗi sản xuất, cung ứng bị ngừng sản xuất trong thời kỳ dịch bệnh Covid là tình trạng thường gặp, theo đó, một bên cùng với việc lưu ý tới yêu cầu miễn trách nhiệm theo điều 79 CISG, vẫn phải lưu ý việc thực hiện nghĩa vụ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng.
Cuối cùng, “trở ngại” và một bên không thể thực hiện hợp đồng phải có quan hệ nhân quả chặt chẽ với nhau. Ngoài trở ngại “nằm ngoài khả năng kiểm soát của bên đó”, vẫn còn có những trở ngại có thể kiểm soát được và tiên liệu hợp lý được, thì bên đó không được yêu cầu miễn trách nhiệm. Ví dụ, nguyên nhân hỏng, mất hàng hóa có lỗi do đóng gói hoặc do giao hàng chậm, thì bên đó vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Do đó, cần lưu ý khi có trở ngại thì lỗi thực hiện hợp đồng của bên đó có thể làm mất đi quyền miễn trách nhiệm theo điều 79 của CISG.
Hiệu lực của miễn trách nhiệm: Trường hợp một bên có thể chứng minh bốn điều kiện cơ bản trên đây, cũng chỉ có thể yêu cầu được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại từ việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Có thể áp dụng yêu cầu khác ngoài bồi thường thiệt hại, ví dụ yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng, yêu cầu đàm phán lại điều khoản hợp đồng… sau khi trở ngại mất đi. Cần chú ý, hiệu lực miễn trách nhiệm chỉ có tính tạm thời, áp dụng trong khoảng thời gian tồn tại trở ngại, khi trở ngại mất đi, bên đó vẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng, phải bằng mọi cách thực hiện kịp thời nghĩa vụ loại bỏ trở ngại.
Trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế của doanh nghiệp, luôn luôn có nhu cầu nhận diện và phòng tránh rủi ro để có được lợi ích thương mại tốt nhất. Một trong những biện pháp hiệu quả để phòng tránh rủi ro thương mại trong bối cảnh dịch bệnh, là nên có những quy định riêng liên quan đến rủi ro về “trở ngại”, ví dụ trong điều khoản miễn trách nhiệm nên minh thị các tình huống được áp dụng như “dịch bệnh”, “bệnh cúm”, “bệnh truyền nhiễm”…Ngoài ra, trường hợp một bên gặp phải trở ngại khi thực hiện hợp đồng cần phòng tránh nguyên nhân lỗi thực hiện hợp đồng, có thể làm mất đi quyền yêu cầu miễn trách nhiệm của bên đó. Trường hợp đã phát sinh tranh chấp thương mại, cần chú ý liên hệ thảo luận kịp thời với bên kia, lưu giữ chứng cứ, tìm hiểu đầy đủ chính sách phòng chống dịch bệnh của Chính phủ nước sở tại để có thể áp dụng có hiệu quả quy định miễn trách nhiệm theo điều 79 của CISG, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật sư Bùi Văn Thành – Trưởng Văn phòng luật sư Mặt Trời Mới