Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và giải pháp gỡ vướng.
Trong văn bản, Bộ Xây dựng cho biết, tùy theo từng loại công trình, chi phí vật liệu xây dựng thường chiếm khoảng từ 50% đến hơn 70% dự toán chi phí xây dựng. Trong đó, đối với các công trình dân dụng, tỷ lệ thép xây dựng, xi măng, cát, đá chiếm tỷ trong tương ứng là: 16,31%; 2,87%; 1,32%; 1,58%. Đối với công trình giao thông, tỷ lệ thép xây dựng, xi măng, cát, đá, nhựa đường chiếm tỷ trọng tương ứng là: 9,07%; 1,96%; 3,96%; 4,49%; 4,98%.
Từ cuối quý IV/2020 đến quý I/2022, giá nguyên, nhiên liệu, vật liệu xây dựng có xu hướng biến động tăng, trong đó có thép, xi măng, nhựa đường, xăng, dầu, cát, đất đắp.
Từ tháng 4/2022 trở lại đây, giá nhiên liệu và một số vật liệu xây dựng chủ yếu bắt đầu giảm, trong đó giá thép giảm mạnh nhất, hiện ở mức 15.000-16.000 đồng/kg tương đương giá thép quý II/2021. Tuy nhiên so với mặt bằng giá quý IV/2020, tại thời điểm tháng 7/2022, giá nhiên liệu và giá một số vật liệu chủ yếu vẫn cao.
Cụ thể, giá thép xây dựng cao hơn khoảng 25%; giá xi măng, theo từng thương hiệu cao hơn khoảng 15%-20%; giá nhựa đường cao hơn khoảng 40%; dầu diesel khoảng 25.000 đồng/lít, cao hơn gần 100% so với quý IV/2020.
Lý giải về nguyên nhân giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu biến động mạnh trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đánh giá, đối với nguyên, nhiên liệu, vật liệu nhập khẩu (như xăng dầu, nhựa đường, sắt thép,...), nguồn cung và giá cả phụ thuộc vào thị trường thế giới và bị ảnh hưởng của dịch Covid -19, tác động các yếu tố địa chính trị, xung đột Nga - Ukraina, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu;…
Đối với vật liệu sản xuất trong nước, giá bị ảnh hưởng do giá nhiên liệu tăng làm chi phí sản xuất, chi phí logistic tăng theo. Cùng với đó, Chính phủ ưu tiên tập trung bố trí vốn đầu tư các dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông và triển khai các gói kích cầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, do đó nhu cầu về VLXD tăng cao so với các năm trước, nhất là đối với vật liệu xây dựng không nung (như đấp đắp, cát, đá, sỏi..).
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh ký nêu rõ: Trong khi đó, công tác dự báo, kiểm soát, quy hoạch, xác định khối lượng vật liệu chủ yếu không kịp thời, dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ tại một số địa phương, làm giá vật liệu (cát, đất đắp...) tăng đột biến.
Qua theo dõi, tổng hợp các ý kiến của các địa phương, giá vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng bất thường tác động chủ yếu đến các hợp đồng được ký kết trước quý IV/2020 trở về trước và các hợp đồng quy mô nhỏ có giá trị từ 20 tỷ đồng trở xuống được ký kết từ năm 2021 trở lại đây (theo quy định của pháp luật về đấu thầu, các hợp đồng quy mô nhỏ phải thực hiện theo hình thức hợp đồng trọn gói).
Theo Bộ Xây dựng, việc thực hiện các hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh sẽ giảm thiểu các rủi ro, ảnh hưởng do biến động giá vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu, xác lập, ký kết các hợp đồng thi công phụ thuộc vào việc lựa chọn, áp dụng nguồn giá/chỉ số giá xây dựng, phạm vi điều chỉnh giá đã được các bên thỏa thuận trong từng hợp đồng/gói thầu cụ thể. Thực tế, thời gian qua việc thực hiện hợp đồng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, để khắc phục các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá tổng thể việc công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn quản lý từ năm 2021 trở lại đây, đảm bảo công bố sát giá thị trường, công bằng, minh bạch.
Trường hợp giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá đã công bố theo quy định chưa phản ánh đúng biến động giá vật liệu xây dựng trên thị trường, các địa phương bổ sung việc công bố vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng, tăng tần suất sớm hơn, theo tháng, đảm bảo theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 10 ngày 09/02/2021 của Chính phủ.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện giám sát, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương, kịp thời tham mưu các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư các dự án báo cáo đánh giá các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân (chủ quan, khách quan); xác định rõ trách nhiệm các bên và cơ sở pháp lý về việc điều chỉnh hợp đồng (kể cả các hợp đồng BOT), đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trên cơ sở chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời, xác định mức độ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư đã phê duyệt, cân đối các nguồn vốn.
Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp thông qua các hình thức gửi văn bản, tổ chức hội nghị trực tuyến, yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm việc công bố giá theo quy định pháp luật, tăng tần suất công bố và thường xuyên cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng bảo đảm kịp thời với những biến động giá trên thị trường xây dựng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Bộ Xây dựng cũng đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về mặt nghiệp vụ khảo sát thu thập số liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình, chỉ số giá xây dựng. Trong 7/2022, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT tổ chức 7 đoàn hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc công bố giá tại 7 địa phương về việc chấp hành quy định về công bố giá, phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay. Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia đã giao Bộ Công thương thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thép xây dựng, để tránh việc “đầu cơ, găm hàng, thổi giá” thép.
Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành, địa phương rà soát quy hoạch, hỗ trợ vật liệu xây dựng để xác định nguồn cung về vật liệu xây dựng.
PV