Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn số 88/CV-VASEP tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc báo cáo một số bất cập trong thực hiện kiểm soát IUU và cấp giấy S/C và đề xuất hỗ trợ, xem xét cải thiện, tháo gỡ.
Công văn nêu, Hiệp hội và cộng đồng DN luôn chủ động và nỗ lực đồng hành với Chính phủ, với Bộ NNPTNT trong tuân thủ tốt các quy định kiểm soát có liên quan đến chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành hải sản khai thác. Hiệp hội cũng rất chia sẻ với Bộ về khối lượng công việc rất lớn và đòi hỏi nhiều yếu tố trong nhiều năm qua.
Trong quá trình hợp tác với các chủ thể của chuỗi sản xuất-XK hải sản để có được đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ xác thực cho mỗi lô hàng, cộng đồng DN hải sản cũng đã gặp phải rất nhiều các khó khăn, bất cập, đặc biệt là liên quan đến giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) tại các tỉnh, dẫn đến DN không thể có được hồ sơ cần thiết cho việc xuất khẩu các lô hàng hải sản sang châu Âu. Và đây cũng là thực trạng khiến hạn chế đáng kể việc tiêu thụ nguyên liệu cho ngư dân, cũng như giảm đáng kể các dòng hàng sang EU.
Hiệp hội xin báo cáo cụ thể các trường hợp bất cập kể trên để Lãnh đạo Bộ và các đơn vị trực thuộc nắm được tình hình, hiện trạng, cũng như có một số kiến nghị xem xét giải quyết
Bất cập trong công tác quản lý tàu khai thác và thủ tục xin cấp giấy S/C
i) Sự phối hợp của các bên liên quan trong quản lý tàu khai thác, xử phạt vi phạm còn chưa đồng bộ, thống nhất – khiến không ít tàu cá vi phạm ngoài “vùng khơi” chưa cải thiện tích cực: Thực tế, tàu vi phạm (nếu có) thường đa phần là từ vùng khơi, trong đó vùng khơi hiện nay là do các lực lượng chấp pháp (Kiểm Ngư, Hải quân hoặc Cảnh sát biển) quản lý.
ii) Một số tàu khai thác khi vào cảng thì chỉ vào cảng chỉ định để trình diện hồ sơ, sau đó đi về cảng khác để bốc dỡ nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp không xin được giấy S/C tại cảng chỉ định. Hơn nữa, hiện nay nhiều tàu khai thác nhỏ (dưới 15m) không cập cảng chỉ định.
iii) Theo quy định, giấy phép khai thác chỉ được ghi nghề chính (VD nghề lưới kéo), không được ghi nghề phụ (nghề tải) như trước đây. Cho nên nhiều tàu khai thác đi nghề tải nhưng trên giấy phép khai thác ghi nghề lưới kéo (do không được ghi thêm nghề phụ). Vì vậy, doanh nghiệp khi mua các lô hàng có hàng từ nguồn gốc do tàu này khai thác thì khi làm giất S/C cũng không được cấp giấy S/C cho lô nguyên liệu của các tàu này.
iv) Nhiều tàu khai thác không làm giấy cam kết đủ điều kiện ATTP (theo Thông tư 17/2018/TT-BNNPTNT) nên cuối cùng các DN cũng đã không thể được cấp giấy S/C để làm điều kiện XK được. Vấn đề này HH VASEP cũng đã có báo cáo - kiến nghị với Bộ NNPTNT hồi tháng 4/2024, và Bộ đã có văn bản gửi tới các tỉnh có quản lý tàu thuyền, nhưng tình trạng này cải thiện cũng chưa nhiều.
v) Hiện nay, tình hình tàu khai thác mất kết nối dữ liệu hành trình vẫn còn nhiều. Có một thực trạng là DN trong nhiều trường hợp dù đã nỗ lực tối đa, nhưng vẫn không thể nắm chắc hay kiểm tra được nguyên liệu thu mua là hợp pháp hay không hợp pháp. Quy định hiện hành không cho DN được kiểm tra giám sát hành trình của tàu cá hoặc dữ liệu giám sát hành chính mà BQL Cảng cá và Chi cục được cấp sử dụng.
Vì vậy, DN là chủ thể luôn ở thế bị động trong việc kiểm soát nguồn gốc và tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu khai thác. Chủ tàu cá và đại lý thu mua luôn có các đầu mối tiêu thụ khác không cần đến giấy S/C, nên các chủ thể này ở một số nơi đã không hợp tác, hỗ trợ để DN có được đủ thông tin, chứng từ phục vụ việc làm giấy S/C khi mua nguyên liệu để chế biến XK EU. Rất nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười” ảnh hưởng đến thủ tục xin S/C của DN sau khi DN đã thu mua nguyên liệu.
Để tháo gỡ các bất cập, vướng mắc theo điều kiện thực tế tại các địa phương trong quản lý khai thác hải sản, thủ tục cấp S/C và khơi thông cho sản xuất, XK hải sản, Hiệp hội xin có một số đề xuất kiến nghị để lãnh đạo Bộ xem xét:
1) Đề xuất, kiến nghị với Bộ NNPTNT và UBND các tỉnh ven biển:
Xem xét có chương trình (đầu tư, cải tạo) để gia tăng số lượng các Cảng cá đủ “chuẩn” được chỉ định, công bố - góp phần cơ bản giải toả nút thắt hiện nay khâu quản lý tàu cá cập bến & xác nhận nguyên liệu.
Có sự đầu tư hơn về cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối cảng và thiết bị cho các cảng cá đã được chỉ định/công bố tương xứng với tình hình thực tế.
2) Website của Cục Thủy sản cập nhật danh sách tàu vi phạm IUU, nhưng sau đó khi đưa một tàu ra khỏi danh sách thì đề xuất cũng cần có thông báo chi tiết (thời gian rút, lý do) để giúp DN thực hiện và cập nhật cho việc mua hàng và cả xác lập các căn cứ khác liên quan đến các lô hàng liên quan;
3) Xem xét bổ sung, sửa đổi phù hợp nội dung ghi tại giấy phép khai thác – để có thể đủ cả nghề chính và nghề phụ.
4) Xem xét hỗ trợ có các quy định hoặc biện pháp, hướng dẫn cho các tỉnh (Chi cục, Cảng cá…) để các DN khi đi mua nguyên liệu khai thác của ngư dân thì có thể biết được trước nguyên liệu đó là hợp pháp hay không hợp pháp làm cơ sở cho việc “làm được giấy S/C, C/C và có thể XK sang EU được” – vì ngoài thông tin tàu “IUU” trên website của Cục Thủy sản, thì DN không có quyền kiểm tra dữ liệu giám sát hành trình (GSHT) - dữ liệu này chỉ có BQL Cảng cá và Chi cục Thủy sản được truy cập.
5) Tiếp tục có các chỉ đạo, hướng dẫn, thúc đẩy để các Tỉnh thực hiện tốt các quy định của Bộ NNPTNT tại 2 Thông tư 17/2028, 38/2018 về “Chứng nhận điều kiện ATTP” và “Cam kết đủ điều kiện ATTP” cho các tàu cá.
Phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (eCDT)
Từ ngày 01/07/2024, hệ thống truy xuất nguồn gốc khai thác điện tử được triển khai cho 100% tàu cá ra vào cảng, bao gồm việc thu nộp nhật ký khai thác thủy sản và giám sát sản lượng bốc dỡ qua hệ thống eCDT. Hiện nay, các cảng cá đang yêu cầu ngư dân khi vào cảng sẽ phải khai báo thông tin sản lượng trên app điện thoại, cảng cá không chấp nhận khai báo trên giấy.
Tuy nhiên, hiện nhiều tàu khai thác khi vào cảng bán nguyên liệu cho DN nhưng ngư dân không chịu vào app điện thoại để khai báo thông tin sản lượng cho BQL cảng cá duyệt để bấm bán nguyên liệu cho DN. Vì vậy, DN không thể làm thủ tục xin giấy S/C được. Trong tháng 07/2024, nhiều Cảng cá không cấp giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản và giấy SC cho nguyên liệu thủy sản khai thác.
Để hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc (eCDT) thực hiện hiệu quả và giúp ích cho cả CQ quản lý và Doanh nghiệp, Hiệp hội đề nghị:
1) Xem xét bổ sung 02 chủ thể là tàu thu mua và nậu vựa vào phần mềm eCDT này.
2) Cục Thủy sản tập huấn, hướng dẫn cho ngư dân việc nạp dữ liệu nguồn đầu vào chính xác để các khâu sau không bị vướng mắc. Cần thiết lập đường dây hỗ trợ kỹ thuật 24/7. Trong giai đoạn đầu khi eCDT mới áp dụng, nên thành lập đội ngũ hỗ trợ tại các cảng cá để giải đáp thắc mắc và hỗ trợ chủ tàu khai thác trong quá trình sử dụng hệ thống và cập nhật thông tin.
3) Cục Thủy sản có hướng dẫn về việc nhập liệu lên eCDT đối với tàu khai thác nhỏ (dưới 15m) không lắp đặt VMS.
4) Yêu cầu tất cả các khâu thẩm tra tàu IUU phải hoàn thành trước khi tàu vào cảng.
5) Khi DN xác nhận mua nguyên liệu từ tàu A trên phần mềm và chuyển sang xin cấp S/C thì được BQL cảng cá xác nhận luôn S/C.
P.V