Dịch vụ nhà ở/viện dưỡng lão là các cơ sở dân cư kèm theo các dịch vụ chăm sóc, dành cho người lớn tuổi. Tại Việt Nam, thị trường này hầu như vẫn còn rất sơ khai. Tuy nhiên, số lượng dịch vụ tư nhân ngày càng tăng và Chính phủ cho biết, cần phải có nhiều chính sách hơn nữa để hỗ trợ sự già hóa dân số.
Các giải pháp của Chính phủ hiện tại vẫn có thiên hướng truyền thống trong việc gắn kết các thành viên trong gia đình và tự chăm sóc tại nhà. Trong số 63 tỉnh thành của cả nước, chỉ có 32 tỉnh có viện dưỡng lão dành cho việc chăm sóc người cao tuổi. Mặc dù Chính phủ đặt mục tiêu có ít nhất 1 viện ở mỗi tỉnh vào năm 2025.
Hiện đã có một vài dịch vụ tư nhân cung cấp dịch vụ nhà dưỡng lão với với chi phí khá cao. Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, phân khúc viện dưỡng lão được hỗ trợ về mặt y tế và sinh hoạt đã được thiết lập tốt ở nhiều quốc gia trên toàn cầu, nơi có dân số già ngày càng tăng. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của những cơ hội đầu tư bất động sản có tính thanh khoản cao, tương tự như các bất động sản có thương hiệu chuyên biệt với các hồ bơi cho thuê hoặc căn hộ dịch vụ thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà phát triển BĐS và các nhà đầu tư cá nhân.
Có một nghịch lý trong tư tưởng về nhà ở dưỡng lão ở Việt Nam: Trong khi dân số đang già đi, cộng đồng đang thay đổi và người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe toàn diện, thì vẫn còn sự kỳ thị về nhà ở dưỡng lão và việc xây dựng nhà dưỡng lão vẫn bị xem nhẹ.
Hơn nữa, nhiều người vẫn nghi ngờ và phản đối tư tưởng về việc đưa bố mẹ tới sinh sống tại viện dưỡng lão, đồng nghĩa với việc con cái họ không yêu thương ba mẹ. Sự mâu thuẫn về nhà ở dưỡng lão vẫn luôn hiện hữu ở Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng cơ sở chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở tư nhân, còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tế. Khảo sát từ Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI) cho thấy, chỉ có 32 trong tổng số 63 tỉnh thành có viện dưỡng lão, trong khi tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn ngày càng tăng. Hiện nay, cả nước chỉ có hơn 400 viện dưỡng lão, trong đó khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc do nhà nước đầu tư.
Các cơ sở hiện có chỉ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận nhỏ người cao tuổi ở khu vực đô thị, do chi phí dịch vụ tại các cơ sở tư nhân còn cao so với thu nhập bình quân, đặc biệt là đối với người cao tuổi.
Để giải quyết tình trạng này và nâng cao chất lượng chăm sóc, VARS đã đề xuất một số chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Cụ thể, VARS kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án nhà dưỡng lão trong những năm đầu hoạt động, nhằm giảm chi phí và rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp. Đồng thời, nhà nước cần hỗ trợ vay vốn ưu đãi hoặc không lãi suất cho các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư vào nhà dưỡng lão, tương tự như chính sách đối với nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài thông qua chính sách ưu đãi về thuê đất, thuế, phí, và cải cách thủ tục hành chính.
VARS cũng đề xuất cấp đất hoặc cho thuê đất dài hạn với giá ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà dưỡng lão, đồng thời giảm hoặc miễn các khoản phí liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, cần xây dựng quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch về tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động của các nhà dưỡng lão.
VARS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi. Điều này không chỉ giúp mở rộng đầu tư mà còn cho phép các doanh nghiệp tư nhân khai thác, vận hành các cơ sở công lập sẵn có, tận dụng nguồn lực từ cả nhà nước và tư nhân để phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ cho người cao tuổi.
P.V (t/h)