Văn hóa doanh nghiệp và chuyển đổi số

16:10 08/11/2021

Cuộc khảo sát gần đây của Công ty tư vấn Capgemini đối với các giám đốc điều hành và nhân viên từ nhiều nước cung cấp một kết quả gây ra nhiều băn khoăn, tranh cãi: Có tới 62% trong số những người được hỏi nhấn mạnh văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là khó khăn chính mà các công ty gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.

Vấn đề đặt ra, con số này có phù hợp với tình hình chuyển đổi số (CĐS) ở Việt Nam hay không; nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng VHDN trở thành rào cản của công việc CĐS trong các DN; định hướng giải pháp vấn đề trên để VHDN có vai trò thúc đẩy CĐS?

Văn hóa doanh nghiệp cản trở hay thúc đẩy chuyển đổi số?

CĐS là sản phẩm của Cách mạng công nghiệp 4.0 và là xu thế chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa trên thế giới. “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ (QĐ 749 TTg/2020) đã xác định mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với khu vực kinh tế số chiếm 20% GDP năm 2025, 30% năm 2030. Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến đã bổ sung có mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam đạt 100.000 DN công nghệ số. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nền tảng chuyển đổi số đạt 75%. Như vậy, nước ta cần có thêm hàng chục ngàn doanh nhân sáng lập và lãnh đạo các DN số mới. 

  Văn hóa doanh nghiệp và chuyển đổi số.

Trong các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch và hướng dẫn thực hiện CĐS do Trung ương ban hành đều nhấn mạnh CĐS cần bắt đầu từ sự chuyển đổi nhận thức và tư duy. VHDN là biểu hiện cốt lõi, hệ thống định hướng cho tư duy, lối sống và phương thức hành động của DN nên CĐS cần bắt đầu và dựa trên VHDN. Ở nước ta gần đây chưa có một cuộc khảo sát về vai trò của VHDN và CĐS nên con số 62% nói trên về VHDN cản trở công việc CĐS chưa thể xác định đúng sai song cũng là một lời cảnh tỉnh cho các DN, nhất là đối với các SME về chất lượng và hiệu quả công việc xây dựng và quản trị VHDN của mình. 

Nhìn lại ngôi nhà Văn hóa doanh nghiệp của bạn

Xây dựng VHDN cũng nhiều phần giống như xây dựng ngôi nhà cho DN, nếu không có nền móng và kết cấu vững chắc nó sẽ không chống được các cơn cuồng phong hay động đất như đại Dịch Covid -19 hai năm vừa qua. Nếu không có môi trường làm việc nhân văn xanh, sạch, sáng, thoáng, không thể tạo quy tụ và khuyến khích sự chăm chỉ, đổi mới sáng tạo của nhân viên. Nếu không có các công nghệ kết nối và chia sẻ nội bộ nhanh và an toàn thì DN khó tạo ra sự thống nhất, đoàn kết về tư tưởng, giá trị, hành động…Tập trung vào trải nghiệm nhân viên và trải nghiệm khách hàng trong môi trường số (ảo) là mục tiêu hàng đầu của DN số và VHDN số. Triết lý kinh doanh của nhiều DN trong thời đại công nghệ số là: Trước hết tập trung tăng trải nghiệm cho nhân viên với các yếu tố cơ bản là sản phẩm, địa điểm, quy trình và đãi ngộ phù hợp với kinh tế số. Nhân viên hạnh phúc sẽ tạo ra nhiều khách hàng hạnh phúc và trung thành, qua đó tăng doanh thu và lợi nhuận bền vững cho DN.

Trong thời gian chuyển đổi số - chuyển đổi nhận thức này, nhiều công việc phải lắng xuống hay phải dừng lại, lãnh đạo các DN lại có điều kiện nhìn kỹ lại ngôi nhà VHDN của mình để tìm ra các nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là xác định có cần xây mới hay tiểu tu, đại tu cái cũ. Đây là công việc đầu tiên cần làm nếu muốn có một hệ thống VHDN vững chắc, có hiệu lực và hiệu quả thực tế. Phát triển, hoàn thiện VHDN hiện có cần một cuộc đánh giá khách quan, dựa trên các mô hình và công cụ đánh giá khoa học, lượng hóa rất cần có sự tham gia hoặc tự thực hiện của các chuyên gia độc lập và tổ chức chuyên ngành bên ngoài DN.

Học hỏi cách làm và kinh nghiệm của những người xuất sắc nhất

Muốn thành công cần biết rõ mình và học hỏi cách làm, kinh nghiệm từ những người xuất sắc nhất, những người đã trải qua con đường khởi nghiệp và phát triển “từ Tốt đến Vĩ đại” của Việt Nam. Theo tôi, dù bạn đang là một lãnh đạo DN vừa hoặc nhỏ, hãy nhìn lại quá trình quản trị DN và VHDN của các DN xuất sắc như  FPT, Viettel, Vingroup...

Người FPT và Viettel hiện nay đều có quyền tự hào về những sáng lập của họ đã có tư duy 4.0 từ khi nước ta chưa có cuộc cách mạng 3.0, thậm chí chỉ là thời 0,4. Hơn 30 năm trước, khi FPT mới ra đời, 13 nhà sáng lập đã nhất trí với nhau trong một sứ mệnh, tầm nhìn và khát vọng phát triển: "FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện phát triển tài năng tốt nhất và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần." Họ còn xác định đúng giá trị cốt lõi là “Tôn- Đổi - Đồng” và Chí - Gương - Sáng” và triết lý kinh doanh:“Sâu, Sáng, Tuyệt, Thông, Phong”. Vào giữa những năm 2000, VHDN của Viettel được sáng nghiệp cũng với một sứ mệnh toàn cầu và tư duy số: “Sáng tạo để phục vụ con người”. Trong 8 giá trị cốt lõi của Viettel thì có ít nhất có 4 giá trị định hướng phát triển tư duy và kỹ năng DN số: Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh; Sáng tạo là sức sống; Tư duy hệ thống; Kết hợp Đông – Tây. 

Điều thú vị là không chỉ ở nội dung mà còn cả hình thức trình bày VHDN bằng các từ khóa ngắn gọn của FPT và Vingroup cũng rất thuận lợi cho việc số hóa, đào tạo và truyền thông số. Các giá trị cốt lõi của Vingroup bao gồm 5 chữ T và 1 chữ N: Tín - Tâm - Trí- Tốc- Tinh- Nhân. Song điều quan trọng quyết định hiệu lực, hiệu quả và sự thành công của VHDN của các DN xuất sắc là những người lãnh đạo thấy được giá trị, tầm quan trọng của VHDN nên đã thực tâm tiên phong, gương mẫu và kiên trì thực hiện. Họ sử dụng VHDN như một Hệ điều hành, định chuẩn, đánh giá chiến lược quản trị DN theo phương trâm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; họ đã cống hiến và tạo ra tài sản quý giá nhất của DN và “giá trị để đời” của mình. Do vậy, trải qua nhiều cuộc cách mạng công nghệ, công nghiệp và cả trong hoàn cảnh đại dịch, hệ thống VHDN của các DN kể trên vẫn chạy tốt, chưa phải thay đổi hoặc chỉnh sửa đáng kể. Họ đã chứng minh được rằng văn hóa làm việc chủ động, thích ứng với các công nghệ số là thứ vaccine hiệu quả giúp DN vượt qua đại dịch Covid – 19[1].

Như vậy, trở thành DN số thành công trong nền kinh tế, chính phủ và xã hội số cần có VHDN số. Điều đầu tiên DN cần suy nghĩ nghiêm túc về nhu cầu, nhiệm vụ xây dựng VHDN mới hoặc chỉnh sửa VHDN hiện có của mình. VHDN có vai trò, tác dụng kiến tạo nền tảng tinh thần, tạo động lực và tăng cường sức mạnh nội sinh cho CĐS. Ngược lại, CĐS sẽ tác động tích cực tới quá trình quản trị DN, giúp cho các giá trị và thương hiệu của DN đi sâu, đi xa hơn. Nếu gặp phải tình trạng VHDN cản trở, tác động ngược chiều với CĐS, cần xem lại cách nghĩ và cách làm của mình. Bạn nên theo cách tiếp cận của những người thành công nhất: Nghĩ lớn và sớm kiên trì thực hiện, bắt đầu làm từ các việc nhỏ bằng tư duy và kỹ năng số.

PGS, TS. Đỗ Minh Cương - Viện phó Viện Văn hóa Kinh doanh, Hiệp hội Phát triển VHDN Việt Nam