Vai trò tiên phong của Doanh nghiệp du lịch Việt Nam hậu Covid

02:08 30/11/2020

Trong bối cảnh du lịch đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, ngành du lịch càng cần vai trò tiên phong của doanh nghiệp du lịch lớn để đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường.” Đó là nhận định của ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch về tiềm năng của du lịch Việt Nam sau thời dịch Covid-19.

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp, khu du lịch lớn tại Việt Nam đã hoạt động mạnh trở lại, với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho du khách. Điều đó chứng tỏ du lịch Việt Nam không chỉ lấy lại đà tăng trưởng, mà còn mang tầm vóc mới khi bước sang giai đoạn hậu Covid-19 - ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, khi chia sẻ về các giải pháp “phá băng” thị trường du lịch Việt Nam vốn bị tê liệt do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua. 

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch nhận định về tiềm năng ngành du lịch hậu Covid.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch bày tỏ tin tưởng: “Hậu Covid-19, chúng tôi tin rằng, du lịch Việt Nam sẽ vươn lên một tầm vóc mới. Bởi, chúng ta đã tăng “sức đề kháng” với những bài học kinh nghiệm về tư duy sáng tạo, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm kích cầu”. 

Quảng Ninh miễn phí tham quan Vịnh Hạ Long kích cầu du lịch (Nguồn: Internet).

Hiện nay, tổng cục Du lịch đang điều phối các hoạt động xúc tiến du lịch ở các địa phương trên cả nước để chiến dịch kích cầu du lịch lan tỏa. Thời gian qua, rất nhiều địa phương, doanh nghiệp mở cửa các khu, điểm du lịch đồng thời giảm giá, miễn phí vé tham quan, tạo ra các sản phẩm kích cầu giá rất tốt và chất lượng.

Điều đó giúp hâm nóng thị trường, du khách và ngành kinh tế xanh đang dần hồi phục trở lại. ‘Vì thế, chúng tôi đang nỗ lực kêu gọi các địa phương tiếp tục giảm giá hoặc miễn phí vé các điểm tham quan do nhà nước quản lý để có thêm thật nhiều sản phẩm du lịch kích cầu”.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao sự nỗ lực của các doanh nghiệp, mặc dù khó khăn do dịch bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn tiếp tục đầu tư, xây dựng, làm mới các khu, điểm du lịch trên cả nước. 

Theo ông, ngay cả trong mùa dịch, lượng khách gần như bằng 0, nhưng một số nhà đầu tư lớn đã, đang và tiếp tục tính toán những dự án mới, bổ sung nguồn cung sản phẩm, dịch vụ cho ngành du lịch để đón đầu dòng khách bùng nổ sau dịch. Với tiềm lực mạnh và cách làm du lịch văn minh, chuyên nghiệp, các nhà đầu tư lớn luôn là người dẫn dắt tinh tường, giúp định hình xu hướng phát triển cho ngành kinh tế xanh.

Đảo Phú Quốc đẹp cả trong lòng đại dương lẫn trên mặt nước. ( Nguồn: Internet)

Trong bối cảnh du lịch đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, chúng ta càng cần có vai trò tiên phong, dẫn đầu của doanh nghiệp lớn trong việc đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường, phá băng thị trường du lịch vốn đang bị tê liệt suốt thời gian qua, từ đó tạo công ăn việc làm cho nhân sự ngành du lịch.

Đánh giá về tầm nhìn của các nhà đầu tư, ông Hà Văn Siêu chia sẻ thêm: Để phát triển đầu tư một dự án quy mô, tầm cỡ, các nhà đầu tư chiến lược luôn nhìn rất xa, vì đây là lĩnh vực đầu tư thu hồi vốn trong thời gian dài, có thể 10 đến 20 năm. “Họ cũng phải tính toán đến yếu tố rủi ro như thiên tai, dịch bệnh. Do vậy, trong lúc dịch bệnh có thể hoạt động bị ngưng trệ nhưng hậu dịch, các dự án này sẽ phát huy tác dụng, thậm chí tạo nên sự tăng trưởng đột phá cho điểm đến, cho ngành du lịch”.

“Tuy nhiên, để nhanh chóng khôi phục ngành du lịch, các bên đều cần chung tay để kích cầu du lịch ngay từ thời điểm này. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ và chung tay cùng với doanh nghiệp, địa phương và điểm đến để hâm nóng thị trường, trước mắt là trong hoạt động xúc tiến, quảng bá”.

Nhà nước luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch (Nguồn:vinpearl -luxury-landmark-81).

Mặt khác, sau dịch Covid-19, chúng ta rất hy vọng du lịch Việt Nam sẽ vươn lên một tầm cao mới vì sức đề kháng của các doanh nghiệp được nâng lên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có được bài học kinh nghiệm vượt khó khăn, thích ứng bằng những tư duy sáng tạo, những đổi mới, đầu tư mới, cách nhìn mới của các điểm đến và doanh nghiệp.

Sau khi phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ngành du lịch cũng đã có sự chuẩn bị, nghiên cứu, đánh giá và dự báo về khả năng phục hồi cho thị trường quốc tế. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ VHTTDL thời điểm này, khi dịch cơ bản đã được kiểm soát. Bởi, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành phải thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo phát triển trong điều kiện bình thường mới, vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Có nghĩa là phải khôi phục ngành du lịch hoạt động trở lại, trong đó hoạt động du lịch nội địa được ưu tiên phục hồi trước.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cũng đưa ra nhận định và phân tích sâu sắc về tiềm năng phát triển của du lịch Việt Nam sau thời dịch Covid-19. Khi khôi phục được du lịch nội địa thì các hoạt động sẽ liên tục, tạo ra việc làm, thu nhập, tạo sự lan toả và phát triển cho nền kinh tế. Đây là mục tiêu vô cùng quan trọng.

Ông Hà Văn Siêu lưu ý thêm, mặc dù dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế tại Việt Nam, nhưng thiệt hại gây ra cho ngành Du lịch vô cùng nặng nề, nhà nước cần đẩy mạnh những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch để phục hồi.

Ngoài ra, ngành du lịch cùng các doanh nghiệp sẽ có những nghiên cứu cụ thể về xu hướng mới của du lịch. Xu hướng này gắn liền với thực trạng tác động dịch bệnh toàn cầu về thị trường nguồn. Nơi nào bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh sẽ phục hồi trễ hơn, nơi nào bị ảnh hưởng ít sẽ phục hồi sớm. 

Khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư với "Cầu tre xuyên rừng" đạt kỷ lục Guiness và "Cầu Kiều Trà Sư", đã mở cửa đón du khách trở lại với diện mạo mới sau thời gian giãn cách xã hội ..

Doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng du lịch của người dân và du khách thường xuyên. Du khách sẽ đi theo nhóm nhỏ, có chuẩn bị kỹ hơn về mọi mặt. Do đó, phương án làm việc giữa các lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ phải thay đổi.

Cùng với đó, ngành du lịch đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quảng bá, xây dựng chương trình du lịch. “Chúng tôi đang thiết lập kênh trực tuyến giữa du lịch Việt Nam với các đầu mối ở những thị trường trọng điểm. Đơn cử, TCDL sẽ thiết lập kênh đầu mối với các doanh nghiệp đầu mối bán tour cho người Nhật Bản đi du lịch Việt Nam. Ở đó giới thiệu về các sản phẩm, gói dịch vụ du lịch do các hãng lữ hành Việt Nam cung cấp. Thực chất, đây là kênh trực tuyến cho nhân viên sale của các hãng lữ hành Nhật Bản.”

Ngành du lịch đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. (Nguồn: Internet)

“Chúng ta thiết lập hệ thống như vậy với các đầu mối ở nước ngoài, dùng ngôn ngữ của thị trường đó, hàng tuần có chương trình định hướng, giúp các địa lý bán tour của các hãng lữ hành gửi khách đến Việt Nam tìm hiểu cặn kẽ về các điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam để chào bán cho du khách”. - ông Hà Văn Siêu chia sẻ.

Quần thể di tích Cố Đô Huế - Di sản văn hóa thế giới (Nguồn: Internet).

Năm nay, Việt Nam sẽ không tổ chức các roadshow hoặc chương trình xúc tiến du lịch trực tiếp tại nước ngoài, mà đẩy mạnh tiếp thị trực tuyến theo hình thức này.  Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch kỳ vọng chương trình này sẽ cung cấp thông tin mới nhất về mức độ an toàn của Việt Nam cũng như khả năng thành công phòng dịch của Việt Nam qua các kênh trực tuyến./.

PV