![]() |
Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 17/7: Đồng Yên chạm đáy 3 tháng, kỳ vọng phục hồi cuối năm nhờ đàm phán Mỹ – Nhật |
Theo khảo sát của phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập cập nhật lúc 9h00 (17/7/2025), tỷ giá mua - bán Yên Nhật có sự chênh lệch giữa các ngân hàng:
Ngân hàng Eximbank có giá mua vào cao nhất: 173,29 VND/JPY.
Ngân hàng Vietcombank có giá mua vào thấp nhất: 169,40 VND/JPY.
Ngân hàng NCB có giá bán ra cao nhất: 181,28 VND/JPY.
Ngân hàng HSBC có giá bán ra thấp nhất: 178,82 VND/JPY.
Ngân hàng | Mua vào (VND/JPY) | Bán ra (VND/JPY) |
---|---|---|
Agribank | 172,24 | 180,23 |
BIDV | 172,23 | 180,36 |
Eximbank | 173,29 | 179,24 |
HSBC | 171,26 | 178,82 |
NCB | 171,13 | 181,28 |
Sacombank | 172,72 | 180,27 |
Vietcombank | 169,40 | 180,98 |
VietinBank | 171,96 | 181,06 |
Techcombank | 169,54 | 179,90 |
Tỷ giá Yên Nhật tại thị trường tự do (chợ đen) ghi nhận: Trên thị trường tự do, tỷ giá đồng yên Nhật ghi nhận giá mua vào hiện đang giao dịch 176,17 VND/JPY.
Tại phố Hà Trung (Hà Nội), giao dịch ngoại tệ sôi động, đặc biệt với các đồng phổ biến như USD, Euro, Yên Nhật. Người dân cần lưu ý tuân thủ quy định pháp luật khi trao đổi ngoại tệ.
Ngày 16/7, tỷ giá USD/JPY vọt lên 148,78 – mức cao nhất kể từ tháng 4. Đồng Yên tiếp tục mất giá khi đồng USD hưởng lợi từ các tín hiệu kinh tế Mỹ tích cực và khả năng Fed giữ lãi suất cao lâu hơn.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI core) tại Mỹ tháng 6 tăng 2,9% so với cùng kỳ, dù thấp hơn dự báo nhưng vẫn duy trì xu hướng tăng. Nhóm hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu, như đồ chơi và thiết bị điện tử, ghi nhận mức tăng giá cao nhất trong gần 3 năm.
Dữ liệu này khiến thị trường giảm kỳ vọng vào khả năng Fed sớm cắt giảm lãi suất. Hiện mức dự báo điều chỉnh chỉ còn 38,5 điểm cơ bản – thấp hơn đáng kể so với vài tuần trước. USD được hỗ trợ thêm nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trở lại.
Ngược lại, đồng Yên chịu sức ép kép từ lãi suất thấp và tâm lý bi quan về nền kinh tế Nhật. Dù lợi suất trái phiếu 10 năm của Nhật chạm 1,595% - cao nhất từ 2008, thị trường vẫn hoài nghi về khả năng điều chỉnh chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Ngoài ra, yếu tố chính trị trong nước cũng gây thêm áp lực. Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật vào ngày 20/7 có thể làm thay đổi định hướng kinh tế. Cùng lúc, Mỹ cân nhắc áp thuế 25 - 30% lên hàng hóa Nhật từ tháng 8, đặc biệt là ô tô, đe dọa hoạt động xuất khẩu - lĩnh vực trụ cột của Nhật.
Dù tỷ giá USD/JPY tăng mạnh trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia vẫn tin đồng Yên có thể phục hồi vào cuối năm nếu một số điều kiện thuận lợi xuất hiện.
Theo dự báo của Nomura, USD/JPY có thể giảm 5 - 6% trong vài tháng tới nếu đàm phán thương mại Mỹ - Nhật đạt được kết quả tích cực. Hai nền kinh tế đều có lý do để điều chỉnh tỷ giá: Mỹ muốn USD yếu để hỗ trợ xuất khẩu, còn Nhật cần Yên mạnh hơn để kiểm soát lạm phát.
Ông Mitsuhiro Furusawa - cựu quan chức tài chính Nhật nhận định tỷ giá có thể giảm về vùng 135 - 140 JPY/USD cuối năm 2025 nếu BoJ chuyển sang chính sách tiền tệ thắt chặt. Mức tăng lãi suất từ 0,5% lên 1% có thể tạo bước ngoặt, đặc biệt nếu kết hợp cùng đàm phán thương mại thuận lợi và dòng vốn quốc tế quay lại Nhật.
Chênh lệch chính sách tiền tệ giữa Mỹ và Nhật trong nửa cuối năm - một bên có thể cắt giảm, một bên có khả năng tăng sẽ là yếu tố then chốt giúp đồng Yên lấy lại đà tăng trên thị trường quốc tế.