Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng
Nguồn vốn rẻ dư thừa, tín dụng bế tắc trong khi doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang chật vật đi tìm vốn kinh doanh. Mâu thuẫn giữa ngân hàng và doanh nghiệp vẫn luôn là câu chuyện muôn thuở, có các điểm nghẽn chưa được tháo gỡ.
Ngân hàng cho biết, đến cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp đã đạt trên 51% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tín dụng đối với SME đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,2% so với cuối năm 2022, chiếm 18,24% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng tạo điều kiện cho SME tiếp cận vốn tín dụng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, vì hệ thống ngân hàng là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đóng vai trò huyết mạch của nền kinh tế. Việc nâng cao chất lượng tín dụng, giữ ổn định an toàn hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng, giúp duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Do vậy, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, doanh nghiệp cần phải cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo niềm tin để các tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng. Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Khi hoạt động sản xuất kinh doanh được khơi thông, phương án kinh doanh khả thi, doanh nghiệp có thể thuận lợi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện CIEM) nhận định: thực tế, trước phông nền chung suy trầm, ảm đạm hiện nay, Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường bất động sản hồi phục, tiêu biểu như: đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất, mới đây nhất là ban hành Thông tư 10 của Ngân hàng Nhà nước - ngừng một số quy định “thắt chặt” về điều kiện vay vốn của Thông tư 06…
Theo bà Thảo, việc đẩy mạnh đầu tư công mới chỉ đang hỗ trợ lĩnh vực xây dựng cải thiện chút ít, bất động sản thì chưa. Với việc hạ lãi suất, dù lãi vay đã được giảm dần và gần tiệm cận thời điểm giữa năm 2022, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp.
“Do đó, về tổng thể, thị trường cũng như các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, các khó khăn vẫn còn hiện hữu”, bà Thảo nói.
Bình luận về những khó khăn của lĩnh vực bất động sản thời điểm hiện tại, vị chuyên gia này cho biết, các vấn đề đặt ra bây giờ là: Khó khăn ở đây là gì? Khó khăn ở điểm nghẽn pháp lý nào? Khó khăn ở thực thi pháp lý ra sao? Khó khăn về cơ chế vốn như thế nào?
Cũng theo bà Thảo, với các khó khăn từ nhiều phía, việc cải cách cũng phải đến từ nhiều khía cạnh. Chúng ta phải khơi thông hàng loạt các điểm nghẽn để đem lại hiệu quả.
“Ở đây, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo hỗ trợ thị trường bất động sản về cơ chế pháp lý, bao gồm cả những cơ chế về nguồn vốn đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có sự phối hợp hơn nữa giữa các bộ, ban ngành thực thi và giữa các chính sách được ban hành với nhau”, bà chia sẻ.
Cần phải đồng bộ giữa các thủ tục pháp lý
“Do vậy, cần khơi thông kênh huy động trái phiếu doanh nghiệp, cần có sự đánh giá rủi ro và công khai minh bạch các trái phiếu doanh nghiệp để khách hàng có quyền lựa chọn. Tất nhiên, sự công khai minh bạch cần phải có sự giám sát của cơ quan nhà nước”, bà Thảo lý giải.
Tuy nhiên, trong khoảng 1 năm trở lại đây, cơ quan thực thi xuất hiện tâm lý lo ngại, không dám thực hiện các thủ tục nếu không được quy định đồng bộ giữa các luật. Điều này đã tạo ra tắc nghẽn cho nhiều thủ tục đầu tư, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến bất động sản. Trong bối cảnh như vậy, cần phải đồng bộ giữa các thủ tục pháp lý, giữa các văn bản pháp lý, đơn giản hóa các thủ tục pháp lý để cơ quan thực thi dễ dàng thực hiện.
“Việt Nam hiện nay đang có một thực tế là mỗi bộ, ngành sẽ có những cách thức quản lý riêng đối với lĩnh vực của mình, không có sự phối hợp để tạo ra sự thống nhất. Phương pháp này đang gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục”, vị chuyên gia này nói thêm.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Huyền, chuyên gia của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới thông tin cho hay, hiện chỉ 30% SME tại Việt Nam có khả năng tiếp cận tín dụng. Khoảng 70% còn lại gặp khó hoặc không có khả năng tiếp cận tín dụng. Đây thức sự là “bài toán thách thức” của nền kinh tế.
Bà Huyền cho biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tới 5 hội nghị để tìm giải pháp tín dụng cho SME. Tuy nhiên, các nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ.
Phía doanh nghiệp cho rằng, những yêu cầu của ngân hàng về điều kiện vay vốn, tài sản thế chấp, báo cáo tài chính là khắt khe. Trong khi đó, đại diện các ngân hàng than thở thông tin của các SME "tù mù", bất nhất nên họ không dám giải ngân. Đáng chú ý, SME cũng không có tài sản thế chấp, không thể đảm bảo an toàn rủi ro cho tổ chức tín dụng vì không thể "thả gà ra đuổi".
Nghệ Nhân