TS Cấn Văn Lực: Kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022-2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%

14:12 12/05/2022

Phát biểu tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” sáng 12/5, TS Cấn Văn Lực cho rằng, ở kịch bản tiêu cực, GDP của Việt Nam năm 2022-2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%.

Áp lực lạm phát rất lớn

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. 

Ảnh minh họa
 Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính” .

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng, Việt Nam sẽ phục hồi kinh tế sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, bên cạnh những dự báo lạc quan, chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức đang ngày càng lớn khi đại dịch COVID-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế-chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn.

TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bày tỏ lo ngại, mặc dù lạm phát trong 4 tháng đầu năm được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn.

Có 3 nhóm chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, bao gồm: Lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao; tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng.

"Lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài với tỉ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế; tỉ lệ này chiếm tới 50.98% trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế", ông Lâm nói.

Về tác động của giá nguyên liệu, vật liệu, TS Nguyễn Bích Lâm cảnh báo: Khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát của nền kinh tế, do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại.

Dựa trên phân tích ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế lớn đến Việt Nam, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cập nhật dự báo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV về 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022-2023.

Theo đó, ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn này; ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022-2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%.

Tăng năng lực chống chịu với các cú sốc bên ngoài

Bàn về giải pháp để đưa nền kinh tế thoát khỏi "bóng ma" lạm phát, TS Nguyễn Bích Lâm khuyến nghị Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần minh bạch và đơn giản hoá quy trình thương mại; khuyến khích và đẩy mạnh chia sẻ thông tin về thương mại và giá cả; thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế...

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Có chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi suất cho vay dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng. 

Ảnh minh họa

Để tăng trưởng kinh tế đạt được theo mong muốn, TS Cấn Văn Lực cho rằng các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội 2022-2023.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế (sửa các luật: đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản…).

“Cần chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số; phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng năng lực chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, bất động sản; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới”, ông Lực nhấn mạnh.

 Duy Mạnh