Trung Quốc vạch ra chiến lược mới đối phó thách thức kinh tế từ khủng hoảng điện năng đến "thảm họa" Evergrande

11:30 27/10/2021

Chiến lược của cường quốc lớn thứ Hai thế giới đặt ra với mục tiêu "kiềm chế mở rộng vốn một cách thiếu trật tự" trên một số lĩnh vực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP) 

Báo cáo từ Tân Hoa Xã chỉ ra cách chính phủ nước này đối phó 10 thách thức cấp bách nhất mà nền kinh tế phải đối mặt, đồng thời chiến lược mới gợi mở định hướng kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, nhà nước thúc đẩy tiêu dùng tư nhân và đầu tư trong các chương trình nghị sự nhưng chính phủ cho biết sẽ thay đổi nền kinh tế phục thuộc vào bất động sản và nợ. Kế tiếp, Bắc Kinh tăng cường giám sát các lĩnh vực công nghiệp và phát thải.

Trong số 10 vấn đề chính mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt là những thách thức ngắn hạn như cắt điện và khủng hoảng Evergrande, cũng như các vấn đề dài hạn bao gồm "thịnh vượng chung". Tân Hoa Xã cho rằng, nền kinh tế đang vận hành "trong một phạm vi hợp lý" trong chín tháng đầu năm, khi tốc độ tăng trưởng là 9,8%, cao hơn mục tiêu cả năm là "trên 6%".

Tân Hoa Xã cho biết: "Xem xét môi trường bên ngoài đang thay đổi hiện tại và khả năng tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong tương lai, điều quan trọng hơn là phải ổn định và mở rộng nhu cầu trong nước. Tiêu dùng và đầu tư là hai động cơ để đạt được nhu cầu nội địa lớn hơn". Báo cáo chỉ ra, chính phủ sẽ sớm thực hiện một loạt chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng tư nhân ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, ở các vùng nông thôn và trong lĩnh vực ăn uống. Doanh số bán lẻ hàng năm dự kiến ​​sẽ đạt 44 nghìn tỷ Nhân dân tệ (6,8 nghìn tỷ đô la) trong cả năm, mức tăng danh nghĩa 12,2% so với năm ngoái. Đầu tư cơ sở hạ tầng cũng sẽ được hỗ trợ.

Yao Jingyuan, thành viên nghiên cứu đặc biệt tại Văn phòng Cố vấn của Hội đồng Nhà nước, cho biết tuần trước, đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc "ổn định tăng trưởng trong quý 4 và năm tới". Các nhà phân tích lo ngại sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân, đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu, có thể bị suy yếu bởi các đợt tái bùng phát dịch. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố một cuộc khảo sát vào đầu tháng này cho thấy tỷ lệ người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn đã tăng 1,4 điểm phần trăm giữa quý II và quý III lên 50,8%, trong khi tỷ lệ của những người tiêu dùng nhiều hơn giảm 1,0 điểm phần trăm xuống 24,1%. Chính sách Zero Covid cũng được cho là nguyên nhân làm chậm tốc độ phục hồi.

Đợt bùng phát biến thể Delta mới nhất lan rộng đến 11 tỉnh. Báo cáo của Tân Hoa Xã dự đoán thương mại của Trung Quốc sẽ sụt giảm, nhưng các nhà chức trách tin tưởng rằng các đơn đặt hàng xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong nửa đầu năm tới. Việc kiểm soát sẽ được thắt chặt đối với các lĩnh vực thép, nhôm, xi măng, kính tấm và lọc dầu, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng và thải ra một lượng lớn khí thải carbon. 

Trung Quốc cũng sẽ tập trung vào một chuỗi cung ứng phân tán hơn ở khu vực và toàn cầu, mở rộng thị trường nội địa hơn nữa. Ngoài ra, Bắc Kinh "tăng cường điều chỉnh" thu thuế để tăng doanh thu và cải cách phân phối thu nhập của đất nước. Tuy nhiên, các hạng mục sẽ được thực hiện một cách có mục tiêu, như một phần của nỗ lực đạt được "thịnh vượng chung" lâu dài. 

TL