Cụ thể, Viện nghiên cứu Purple Mountain Laboratories (PML) thông báo hôm 5/1 rằng, nhóm kỹ sư do Giáo sư You Xiaohu dẫn đầu đã thiết lập thành công đường truyền mạng 6G cho tốc độ lên đến 206.25 gigabit mỗi giây trong điều kiện môi trường phòng thí nghiệm. Dự án được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đặc biệt, hợp tác cùng Công ty viễn thông China Mobile và Đại học Fudan. Theo tuyên bố của PML, thành quả mà nhóm đạt được là kỷ lục thế giới về tốc độ đường truyền không dây theo thời gian thực trong dải tần Terahertz (300 GHz ~ 3 THz), là cơ sở để phát triển công nghệ mạng di động 6G trong tương lai. Theo đó, giao tiếp không dây Terahertz được xem là công nghệ cốt lõi của mạng 6G. PML cho biết, thành tựu này mở ra nhiều triển vọng, có thể được tích hợp vào các hệ thống mạng cáp quang hiện có để mở rộng tốc độ truy cập không dây cực cao, lên đến 100-1.000 Gbps dù là ở ngoài trời hay trong nhà. Cùng với đó, 6G còn có thể ứng dụng vào vệ tinh, máy bay không người lái cũng như tàu không gian, mở ra các kịch bản liên lạc không dây tốc độ cao giữa các cụm vệ tinh, ngoài vũ trụ truyền về Trái Đất.
Dải tần Terahertz rất giàu tài nguyên tần số, có thể hỗ trợ giao tiếp không dây ở tốc độ cực cao, từ 100 gigabit mỗi giây đến 1 terabit mỗi giây, tương đương với 1.000 Gbps. Điều này sẽ giúp tăng tối đa tốc độ đường truyền cho hệ thống 5G, có thể phục vụ giao tiếp ba chiều 6G, metaverse và nhiều ứng dụng tiềm năng mới trong tương lai. Công nghệ truyền thông không dây 6G sẽ là sự kế thừa của 5G hiện nay, vốn đang được triển khai trên nhiều quốc gia. 5G cho phép truyền dữ liệu với tốc độ nhanh hơn 20 lần so với các tiêu chuẩn trước đây. Về lý thuyết, 6G ước đạt tốc độ 1 terabit/giây. Trung bình mỗi giây, người dùng có thể tải hơn 142 giờ nội dung Netflix ở độ phân giải cao nhất. Theo giới chuyên môn tại Trung Quốc thì so với sóng Milimet (mmWave) sử dụng các dải tần trong phạm vi 24 - 100 GHz, sóng Terahertz có tần số cao hơn. Vì vậy Terahertz sẽ cho tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn nhưng bị hạn chế về khoảng cách truyền tín hiệu, điều này đặt ra thách thức đối với ứng dụng quy mô lớn của 6G.
Nhưng cho đến nay, thế giới vẫn chưa thống nhất các tiêu chuẩn kỹ thuật và tần số hỗ trợ 6G. 3GPP, tổ chức thiết lập tiêu chuẩn truyền thông toàn cầu, chưa công bố lộ trình phát triển 6G. Huawei dự đoán công nghệ 6G sẽ gia nhập thị trường vào khoảng năm 2030. Trong khi đó, Ericsson cho rằng, các tiêu chuẩn ban đầu cho mạng 6G có thể được công bố vào năm 2027. Hiện tại, Trung Quốc có số lượng trạm 5G lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 1,4 triệu trạm 5G trên khắp đất nước.
Mai Hạnh