Trung Quốc đang định hình lại thị trường ngũ cốc toàn cầu

06:27 27/02/2021

Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, những người chăn nuôi lợn và các nhà giao dịch Trung Quốc đang "lùng sục" tìm kiếm nguồn ngũ cốc để nhập khẩu...

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, những người chăn nuôi lợn và các nhà giao dịch của Trung Quốc đang đẩy mạnh tìm kiếm ngũ cốc từ nước ngoài do sự thiếu hụt trong nước.

Việc đẩy mạnh nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc và những khó khăn mà các nước sản xuất ngũ cốc chủ chốt khác đang gặp phải đã góp phần khiến giá ngô, lúa mì và lúa mạch trên toàn cầu tăng mạnh
Việc đẩy mạnh nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc và những khó khăn mà các nước sản xuất ngũ cốc chủ chốt khác đang gặp phải đã góp phần khiến giá ngô, lúa mì và lúa mạch trên toàn cầu tăng mạnh (Ảnh: minh họa)

Diễn biến trên cho thấy Trung Quốc đang định hình lại thị trường ngũ cốc toàn cầu. Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi động thái "lùng sục" kiếm tìm nguồn nhập khẩu ngũ cốc đang khiến giá ngô của Trung Quốc leo lên mức cao kỷ lục và dự kiến sẽ thúc đẩy tình trạng lạm phát lương thực toàn cầu vào năm 2021.

Xưa nay, Trung Quốc vốn được biết đến là một quốc gia vững vàng về năng lực tự cung tự cấp ngũ cốc. Thời điểm hiện tại, hoạt động thu mua ngũ cốc ồ ạt đã đưa Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, phá vỡ các kỷ lục trước đó và đánh dấu sự thay đổi lớn về hình ảnh của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và nhập khẩu ngũ cốc.

Các nhà phân tích và giới đầu tư quốc tế cho biết, việc đẩy mạnh nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc và những khó khăn mà các nước sản xuất ngũ cốc chủ chốt khác đang gặp phải đã góp phần khiến giá ngô, lúa mì và lúa mạch trên toàn cầu tăng mạnh. Điều này có thể gây ra những cú sốc đối với các ngành sản xuất vốn dựa nhiều vào nguồn cung ngũ cốc trong những tháng tới.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong giai đoạn tới đây sẽ tăng lên mức kỷ lục 24 triệu tấn do nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước này tăng mạnh khi đàn lợn được hồi phục sau dịch tả lợn châu Phi.

Lâu nay, lúa mì và gạo ở Trung Quốc chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng lương thực. Nhưng giá ngô tăng cao đang khiến cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đẩy mạnh sử dụng lúa mì và gạo làm thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc vì sự sẵn có của các loại ngũ cốc này.

Dự báo việc sử dụng lúa mì làm thức ăn chăn nuôi trong năm 2021 ở Trung Quốc sẽ ở mức kỷ lục 30 triệu tấn, cao hơn 10 triệu tấn so với niên vụ trước, do khối lượng đấu giá kỷ lục của lúa mì nội địa và sản lượng thức ăn hỗn hợp cao hơn.

Giá ngô cao đã thúc đẩy khối lượng đấu giá lúa mì ở Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục, với hơn 12 triệu tấn được báo cáo đã được bán hết trong tháng 1. Kể từ tháng 12/2020, lần đầu tiên giá lúa mì ở Trung Quốc có xu hướng thấp hơn giá ngô trong hơn 6 năm (dựa trên giá giao ngay trung bình hàng tháng của cả nước).

Nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc cũng đang tăng và đã tăng tháng thứ 6 liên tiếp lên 10 triệu tấn, mức cao nhất trong hơn 25 năm. Mặc dù hầu hết lúa mì nhập khẩu được phân bổ cho nhu cầu tiêu dùng của con người, nhưng do giá nhập khẩu tương đối thấp so với giá ngô nội địa của Trung Quốc, khiến cho lúa mì trở nên hấp dẫn để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi ở khu vực phía Nam của nước này.

Do giá cao hơn so với các loại ngũ cốc khác, nên gạo không được sử dụng rộng rãi trong thức ăn chăn nuôi. Nhưng một số nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng gạo trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi, nhất là khi giá ngô tăng cao đã thu hẹp khoảng cách giữa giá ngô và giá gạo.

Trung Quốc đã bán đấu giá gạo từ các kho dự trữ nhà nước với giá thấp để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Trong tháng 2/2021, tiêu thụ gạo ở Trung Quốc tăng 1,5 triệu tấn, với phần lớn nhu cầu bổ sung vảo sản xuất thức ăn chăn nuôi. Để đảm bảo sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, gạo phải được nghiền bởi một doanh nghiệp nhà nước và trộn 85% gạo với 15% lúa mì. Thức ăn làm từ gạo có thể được sử dụng cho gia cầm, do tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực chăn nuôi này đang được thu hẹp.

Nhu cầu đối với gạo giá rẻ ở Trung Quốc đã thúc đẩy nhập khẩu cao hơn trong những tháng gần đây, đặc biệt là từ Myanmar và Pakistan. Ngoài ra, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu gạo tấm từ Ấn Độ, được cho là để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Với việc sử dụng thức ăn chăn nuôi trong nước của Trung Quốc đang tăng lên, đặc biệt là đối với gạo cũ từ nguồn dự trữ nhà nước, xuất khẩu gạo của Trung Quốc sang các thị trường nhạy cảm dự kiến sẽ giảm.

Theo giới phân tích, căn nguyên chính dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu ngũ cốc của Trung Quốc là do tình trạng sụt giảm ngày càng mạnh về sản lượng ngô trong nước. Điều này làm gia tăng hoạt động nhập khẩu và tìm kiếm các nguồn hàng thay thế ở nước này.

Giá xuất khẩu ngô của Mỹ, lúa mỳ của Nga và lúa mạch của Pháp đã tăng 25-30% kể từ tháng 5/2020, trong khi chỉ số giá ngũ cốc toàn cầu của Liên hợp quốc (LHQ) tăng 17% so với một năm trước, lên mức cao nhất trong hơn 5 năm. Giá ngô và lúa mỳ kỳ hạn tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ) đã lần lượt tăng 25% và 17,5% trong ba tháng qua.

Darin Friedrichs - Nhà phân tích cấp cao của StoneX cho biết, tại Trung Quốc, giá ngô ở mức cao nhất trong nhiều năm, vì vậy người mua đang tích cực tìm cách nhập khẩu.

Dữ liệu từ Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu lúa mạch, ngô, lúa miến và lúa mì của Trung Quốc đã tăng 83,3% lên 20,86 triệu tấn trong chín tháng kể từ đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến sẽ còn nhiều thương vụ nhập khẩu kỷ lục trong thời gian tới.

Hoạt động thu mua ngũ cốc của Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ tháng 5/2020, khi Bắc Kinh tiêu thụ hết các kho dự trữ khổng lồ và thời tiết khắc nghiệt đã khiến vụ gieo trồng ngô năm nay thất thu.

Nguồn cung giảm kết hợp với nhu cầu mạnh mẽ từ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi khiến nguồn cung ngũ cốc ở Trung Quốc thiếu hụt từ 20-30 triệu tấn trong vụ mùa này. Trong khi đó, xuất khẩu lúa mạch và lúa miến từ Argentina, Ukraine và Canada cũng tăng mạnh trong năm nay, giúp đẩy giá xuất khẩu một số loại ngũ cốc chủ chốt cao hơn 50% so với một năm trước đó.

Trong một đánh giá khác, Trung Quốc được xem là một trong những quốc gia xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, cho tới nay Trung Quốc chỉ phải nhập khẩu một ít lúa mì hoặc ngô.

Tuy nhiên, tại quốc gia này đông đảo cư dân thành thị đang thay đổi thói quen sinh họat, ngày càng ăn nhiều sản phẩm bột mì, thịt, trứng, sữa… hơn. Thực tế này khiến Trung Quốc sẽ sớm phải tăng cường nhập khẩu các loại ngũ cốc.

Theo tính toán của các nhà môi trường học, nếu Trung Quốc nhập khẩu dù chỉ 10% nhu cầu ngũ cốc của họ, khi đó họ sẽ trở thành nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Sự suy giảm nguồn nước ở Trung Quốc, thực trạng năng suất cây trồng giảm do nhiệt độ trái đất ấm lên cũng sẽ đẩy Trung Quốc đến chỗ phải gia tăng nhập khẩu ngũ cốc.

Hà An (T/h)