Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tỷ lệ áp dụng AI tạo sinh

11:00 11/07/2024

Các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu tập trung đầu tư và phát triển lĩnh vực này sau khi ChatGPT của OpenAI (Mỹ) ra mắt vào năm 2022. Điều này cho thấy Trung Quốc quyết tâm cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực AI.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Một cuộc khảo sát mới cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong việc áp dụng AI tạo sinh. Đây là một dấu hiệu mới nhất cho thấy nước này đang có những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ thu hút sự chú ý toàn cầu.

Cụ thể, theo Reuters, đã có 1.600 người thuộc 16 nước ở nhiều khu vực tham gia khảo sát của công ty AI và phần mềm phân tích - SAS và Coleman Parkes Research của Mỹ. Số liệu cho thấy có đến 83% số người Trung Quốc được hỏi đã từng sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong đó có ChatGPT để hỗ trợ công việc.

Mặc dù Mỹ là quốc gia dẫn đầu xu hướng trí tuệ nhân tạo nhưng theo số liệu ghi nhận được, chỉ có 65% người Mỹ được hỏi sử dụng AI tạo sinh.

Khảo sát tập trung vào những nhân viên thuộc các ngành ngân hàng, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, viễn thông, bán lẻ, sản xuất và năng lượng.

Kết quả này đã nhấn mạnh sự tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực AI tạo sinh. Các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu tập trung đầu tư và phát triển lĩnh vực này sau khi ChatGPT của OpenAI (Mỹ) ra mắt vào năm 2022. Điều này cho thấy Trung Quốc quyết tâm cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực AI.

Trong khi nhiều nhà cung cấp dịch vụ AI tạo sinh quốc tế hàng đầu, bao gồm OpenAI, đang phải đối mặt với sự hạn chế ở Trung Quốc, quốc gia này đã phát triển một ngành công nghiệp trong nước mạnh mẽ, với các dịch vụ từ những gã khổng lồ công nghệ như ByteDance đến các công ty khởi nghiệp như Zhipu.

Tuần trước, một báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc cho thấy, Trung Quốc đang dẫn đầu về cuộc đua bằng sáng chế AI tạo sinh, nộp hơn 38.000 đơn từ năm 2014 đến năm 2023 so với 6.276 đơn của Mỹ trong cùng thời kỳ.

Ông Stephen Saw, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Coleman Parkes (Anh) cho rằng: "Mặc dù Trung Quốc có thể dẫn đầu về tỷ lệ áp dụng AI tạo sinh, nhưng tỷ lệ áp dụng cao hơn không nhất thiết đồng nghĩa với việc triển khai hiệu quả hoặc mang lại lợi nhuận tốt hơn".

Còn ông Udo Sglavo, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phát triển mô hình hóa & AI ứng dụng tại tập đoàn SAS, lưu ý rằng, để có thể khai thác tối đa lợi ích của công nghệ này, AI tạo sinh phải được tích hợp hoàn toàn vào các hệ thống và quy trình sản xuất ở cấp độ toàn công ty.

Theo ông Udo Sglavo, Mỹ có một số lợi thế trong việc tích hợp AI tạo sinh, bao gồm một hệ sinh thái trưởng thành hơn và một nhóm lớn các chuyên gia và nhà nghiên cứu AI có trình độ cao.

Phó Chủ tịch SAS đơn cử, Mỹ có "văn hóa đổi mới sáng tạo", sự dẫn dắt AI mạnh mẽ từ các công ty tư nhân cùng với môi trường pháp lý minh bạch và có thể dự đoán hơn được so với các khu vực khác.

Kết quả khảo sát của SAS và Coleman Parkes chỉ ra rằng, Trung Quốc có vị thế tốt để bắt kịp việc áp dụng đầy đủ và trưởng thành trong cuộc đua AI.

Những đơn vị được khảo sát ở Trung Quốc tự tin nhất vào sự chuẩn bị của mình để tuân thủ các quy định về AI, với gần 25% trong số họ đã chuẩn bị đầy đủ, so với tỷ lệ 14% ở Mỹ.

Theo báo cáo năm 2023 của Công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey (Mỹ), AI tạo sinh có thể tạo ra giá trị tăng thêm tương đương từ 2,6 nghìn tỷ USD đến 4,4 nghìn tỷ USD mỗi năm đối với 63 trường hợp ứng dụng công nghệ này vào kinh doanh.

Tú Anh (t/h)