Trung Quốc cấm quan chức dùng iPhone do lo ngại về an ninh mạng

15:31 07/09/2023

Nhân viên ở các bộ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm có thời hạn đến cuối tháng này để chuyển sang sử dụng các thương hiệu điện thoại khác ở công sở.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm tất cả iPhone và sản phẩm công nghệ mang thương hiệu nước ngoài khác được sử dụng trong các văn phòng chính phủ.

Động thái này của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Theo chính sách mới, nhân viên chính phủ bị cấm sử dụng các thiết bị như iPhone cho mục đích công việc hoặc thậm chí mang chúng vào các tòa nhà văn phòng. Lý do mà chính phủ đưa ra bắt nguồn từ các lo ngại về an ninh mạng.

Một lệnh cấm tương tự được cho là đã thực thi trong nhiều năm đối với một số cơ quan chính phủ, nhưng lệnh cấm mới nhất đã mở rộng phạm vi áp dụng.

Một nguồn tin cho biết, nhân viên ở các bộ bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm có thời hạn đến cuối tháng này để chuyển sang sử dụng các thương hiệu điện thoại khác ở công sở.

Động thái này có thể gây lo ngại cho các thương hiệu nước ngoài ở Trung Quốc, bao gồm Apple. Apple thống trị phân khúc smartphone cao cấp ở Trung Quốc. Đây cũng là một trong những thị trường lớn nhất của Apple, đóng góp 19% tổng doanh thu của công ty.

Sau thông tin trên, cổ phiếu Apple giảm 3,6% xuống còn 182,91 USD tại New York (Mỹ) hôm 6.9, đánh dấu mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 4.8. Cổ phiếu Apple đã tăng 46% trong năm nay (một phần trong đà tăng chung của cổ phiếu công nghệ) trước khi giảm 3,6%.

Apple được yêu thích ở Trung Quốc, thị trường quốc tế lớn nhất của hãng, bất chấp sự bất bình ngày càng tăng với những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế ngành công nghệ quốc gia châu Á này. iPhone là một trong những sản phẩm bán chạy nhất Trung Quốc và được cả chính phủ lẫn khu vực tư nhân ưa chuộng.

Tuy nhiên, các thiết bị nước ngoài từ lâu đã không được khuyến khích sử dụng trong các cơ quan chính phủ, đặc biệt khi Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch những năm gần đây nhằm giảm sự phụ thuộc vào công nghệ từ Mỹ, đối thủ địa chính trị của cường quốc châu Á.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với công nghệ nước ngoài. 2 năm trước, quốc gia này đã cấm nhà sản xuất ô tô điện Tesla của Mỹ vào các cơ sở chính phủ và khu quân sự với lý do lo ngại về hoạt động gián điệp.

Bắc Kinh cũng đã thắt chặt các khuôn khổ pháp lý để tăng cường an ninh quốc gia, bao gồm cả việc đưa ra luật để đảm bảo dữ liệu được thu thập ở Trung Quốc nằm trong lãnh thổ của mình.

Các lệnh cấm tương tự cũng được Washington và các đồng minh áp đặt đối với các thiết bị viễn thông Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cấm thiết bị điện tử của hai tập đoàn công nghệ và thiết bị viễn thông Trung Quốc, Huawei và ZTE kể từ tháng 11-2021 với mục đích “bảo vệ người dân Mỹ khỏi các mối đe dọa an ninh quốc gia liên quan đến viễn thông”.

Kể từ tháng 11-2022, nhiều nước phương Tây cấm cài đặt ứng dụng TikTok, thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ ByteDance (Trung Quốc), trên thiết bị của các cơ quan chính phủ vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể được chuyển giao cho chính phủ Trung Quốc.

Động thái trên của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington vướng vào các tranh chấp về thương mại, công nghệ và gián điệp.

Phương Anh (t/h)