Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường ngoài nước, nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU sẽ hồi phục trong 6 tháng cuối năm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, giá năng lượng tăng, chiến sự Nga - Ukraine diễn biến ngoài dự đoán… nhưng kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm vẫn có những tín hiệu tích cực so với cùng kỳ 2022, như hoạt động nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao,…
Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường là 51,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 25,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tất cả những yếu tố này đều báo hiệu khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông thường, sau tết, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phục hồi và tăng tốc. Nhưng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn nhiều con số rút lui khỏi thị trường là vấn đề đáng lưu tâm.
Tại đối thoại “Trợ lực nào để doanh nghiệp Việt vượt khó?” ngày 28/3, do Kênh truyền hình Kinh tế tài chính VITV tổ chức, khi nói những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt, TS. Vũ Tiến Lộc – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhắc lại những con số thống kê về doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2023 và cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp đang chạm đáy.
Nói về cơ hội của doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, thời gian tới chỉ tiêu lạm phát 4,5% cả năm 2023 phần nào sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, tuy nhiên quý I, khó khăn của doanh nghiệp đã “chạm đáy”. Hy vọng từ quý II/2023 doanh nghiệp sẽ từ đáy đi lên với động lực tăng trưởng là thị trường trong nước.
Từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng: “Với những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện, nếu nói quý I/2023 là điểm đáy của tăng trưởng thì vẫn còn hơi sớm”.
Ông Đoàn cho biết, doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn cơ bản và sẽ còn kéo dài đến hết năm nay như nhu cầu đang giảm nhanh, khó đoán định đầu ra, số lượng. Giá cả chi phí đầu vào tăng mạnh. Việc huy động vốn của doanh nghiệp đang gặp khó, từ tín dụng đến trái phiếu doanh nghiệp. Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp lớn để giành giật sự sống tiếp diễn. Các chủ doanh nghiệp đang đuối sức và trở nên bi quan…
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, với bất kỳ doanh nghiệp nào, muốn đón cơ hội thì doanh nghiệp phải thực sự trở thành những doanh nghiệp tốt. “Dù to hay nhỏ thì doanh nghiệp cũng cần phải là doanh nghiệp tốt – tức là có năng lực thật, có khả năng hội nhập” - ông Đoàn nêu rõ.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, ông Đoàn cho rằng Nhà nước cũng cần tăng cường giám sát. Bởi nếu những doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân đổ vỡ, đó cũng là tài sản, an ninh và uy tín quốc gia, do đó cần đề cao sự phát triển bền vững, minh bạch, rõ ràng khi hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài.
Còn theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), để nói về việc khó khăn của doanh nghiệp đã chạm đáy hay chưa thì cần xem xét trên từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể. Bà Thủy cho rằng bối cảnh hiện tại, ngành nông nghiệp hiện đang có thị trường tốt, còn dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, ngành du lịch sau một năm u ám, thì hiện tại với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ có thể tạo ra cú huých cho các doanh nghiệp du lịch phát triển.
Nói về động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng, TS. Vũ Tiến Lộc dự báo nhu cầu xuất khẩu sang các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc… sẽ bắt đầu hồi phục trở lại dù vẫn còn yếu. “Thời điểm 6 tháng cuối năm xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại” - ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, việc triển khai các chương trình phục hồi kinh tế có độ trễ, nhưng đầu tư công đang được đẩy mạnh. Đây sẽ là động lực để kéo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.
So với nhiều nước trên thế giới, ông Lộc khẳng định Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển nhờ vào đầu tư công khi chúng ta đang có tiền trong tay nhưng vẫn chưa tiêu được. Nhìn nhận ở dài hạn, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam vẫn sẽ phải ở câu chuyện của thị trường trong nước. Dư địa hiện nay nằm ở thể chế còn rất nhiều. Nếu gỡ sớm được các thủ tục hành chính còn đang vướng mắc sẽ giúp tạo nguồn lực, khơi dậy hoạt động doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho việc huy động vốn ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
10 chữ T giúp doanh nghiệp thành công
Gửi đến cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc nhắc đến công thức để doanh nghiệp có thể thành công trong bối cảnh hiện nay là 10 chữ T bao gồm: tin tưởng, thận trọng, tiết kiệm, tái cấu trúc, tầm nhìn toàn cầu, tập trung chiếm lĩnh thị trường trong nước, tập trung lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tín trong kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tăng trưởng xanh.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong bối cảnh khó khăn nhất, doanh nghiệp mong chờ vào những cải cách hỗ trợ kinh doanh. Thời điểm này theo ông Cung đã có nhiều sự thay đổi. Nếu như trước đây doanh nghiệp rất hay gặp phải tình trạng thanh tra, kiểm tra thì nay đã có sự đồng hành, cảm thông, chia sẻ của các cơ quan quản lý, nhận biết được khó khăn của doanh nghiệp và mong muốn giải quyết khó khăn đó.
Theo Tấn Minh/ Thời báo Tài chính Việt Nam