Triển vọng ngành mía đường Việt Nam trong năm 2021

10:41 23/02/2021

Năm 2021 mở ra cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành mía đường Việt Nam khi mà thuế chống bán phá giá (CBPG) vừa được triển khai cho đường thô là 33,88% và đường tinh luyện là 48,88%, cơ hội giành lợi thế trên trường quốc tế của mía đường Việt.

Thông tin từ tổ chức ISO cho biết, trong nửa đầu tháng 1/2021 chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng thế giới tiếp tục dao động theo xu hướng tăng của các tháng gần đây và ngày 14/1 đã đạt mức cao nhất trong 3 năm rưỡi qua.

  Ảnh minh họa.

Để đảm bảo cạnh tranh công bằng cho thị trường nội địa, ngày 9/2/2021 Bộ Công Thương (BCT) chính thức ban hành quyết định chính thức áp dụng mức thuế CBPG 48,88% đối với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô có xuất xứ từ Thái Lan, góp phần to lớn trong việc mang lại niềm tin cho ngành mía đường Việt. Nhiều chuyên gia đánh giá đề xuất trên là mức thuế CBPG hợp lý để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, ổn định thị trường và tái lập môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam, đã chỉ ra các vấn đề chính mà ngành mía đường đang phải đương đầu, bao gồm: giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống khiến nông dân không còn mặn mà, canh tác nhỏ lẻ và manh mún, quá trình sản xuất chưa được cơ giới hoá nên khả năng khai thác còn yếu. Để giải quyết vấn đề, chúng ta cần một chiến lược đầu tư đúng đắn vào công nghệ.

Trên thực tế, có thể thấy, cây mía là cây trồng có nhiều lợi thế và giá trị kinh tế cao nhưng nông dân Việt Nam vẫn chưa có được tư duy trồng mía đúng đắn, thiếu sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tối ưu năng suất, giảm chi phí sản xuất. Việt Nam còn thiếu các hệ thống cơ sở tối ưu từ thuỷ lợi và phương thức vận chuyển khoa học. Thời gian vận chuyển từ ruộng mía tới nhà máy nếu kéo dài trên 8 tiếng sẽ làm giảm độ tươi và hàm lượng đường trong cây mía, dẫn tới giá thu mua đầu vào thấp.

Ở các cường quốc mía đường như Brazil, Australia, từ nhiều năm trước họ đã áp dụng phương tiện chuyên dụng Haulout Bin, một hệ thống kết hợp máy thu hoạch và xe chở mía chạy song song trên ruộng. Điều này đảm bảo quy trình thu hoạch mía chỉ diễn ra trong vòng từ 4 tới 6 tiếng, sẵn sàng vận chuyển ngay để mía giữ được chữ đường cao nhất khi tới nhà máy.

Đầu tư đúng đắn cho thiết bị cơ giới không chỉ phát huy được tiềm năng phát triển của ngành mía đường mà còn mang tới cuộc sống ấm no bền vững cho người dân, nâng cao chất lượng đường, tạo dựng thương hiệu cho đường Việt trên trường quốc tế.

Với việc chính thức quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời với đường có xuất xứ từ Thái Lan kể từ ngày 9/2/2021 đã mởi ra một triển vọng tươi sáng cho bức tranh ngành mía đường năm 2021. Một tín hiệu lạc quan cho người nông dân và doanh nghiệp mía đường trong những ngày đầu năm mới.

PV