![]() |
Các bức ảnh nổi tiếng được ChatGPT tái tạo theo phong cách Studio Ghibli. |
Chỉ trong chưa đầy 48 giờ sau khi OpenAI ra mắt công cụ tạo ảnh mới trên ChatGPT, mạng xã hội đã tràn ngập những hình ảnh theo phong cách hoạt hình Studio Ghibli. Từ Facebook, X (Twitter) đến TikTok, hàng nghìn bức ảnh mang phong cách đặc trưng của studio nổi tiếng Nhật Bản xuất hiện với tốc độ chóng mặt.
“Mình luôn yêu thích phong cách Ghibli nhưng không giỏi vẽ. Đã thử qua nhiều ứng dụng nhưng chưa có cái nào làm mình hài lòng cho đến thử qua công cụ tạo ảnh của OpenAI. Quá tuyệt vời!”, người dùng Facebook Linh Anh chia sẻ.
"Đáng yêu thế này thì sao mà cưỡng lại được!", tài khoản Instagram Trang Anh vừa đăng ảnh vừa bình luận.
Một số người dùng thậm chí đã tổng hợp các bức ảnh thành truyện tranh mini, biến những khoảnh khắc đời thường thành tác phẩm nghệ thuật mang hơi hướng của Ghibli. CEO OpenAI, Sam Altman, cũng nhanh chóng tham gia vào trào lưu này khi đổi ảnh đại diện trên X sang một bức ảnh phong cách Ghibli của chính mình.
Tính năng này được OpenAI tích hợp vào ChatGPT ngày 26/3, sử dụng mô hình GPT-4o. Bên cạnh việc tạo ảnh “như thật”, chỉnh sửa và phục hồi ảnh cũ, nó còn cho phép chuyển đổi hình ảnh sang nhiều phong cách khác nhau. Tuy nhiên, để sử dụng trơn tru, người dùng cần đăng ký gói thuê bao Plus, Pro hoặc Team.
![]() |
CEO OpenAI nhanh chóng tham gia vào trào lưu này khi đổi ảnh đại diện trên X sang một bức ảnh phong cách Ghibli. |
Sự bùng nổ của ảnh AI theo phong cách Ghibli cũng đặt ra nhiều câu hỏi về bản quyền. Studio Ghibli, do đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki sáng lập, nổi tiếng với phong cách vẽ tay chi tiết, màu sắc đặc trưng và cốt truyện giàu cảm xúc. Việc AI có thể dễ dàng mô phỏng phong cách này khiến nhiều chuyên gia lo ngại.
Theo luật sư sở hữu trí tuệ Evan Brown tại công ty luật Neal & McDevitt, phong cách nghệ thuật không được bảo vệ rõ ràng bởi luật bản quyền. Điều này có nghĩa OpenAI có thể không vi phạm luật nếu chỉ tạo ra hình ảnh trông giống như phim của Studio Ghibli. Tuy nhiên, nếu AI được đào tạo trên dữ liệu chứa hình ảnh từ các bộ phim của studio mà không có sự cho phép, vấn đề pháp lý có thể nảy sinh.
![]() |
Bức hình một phóng viên được ChatGPT làm lại theo phong cách Studio Ghibli. Ảnh: TechCrunch. |
Một số nhà xuất bản lớn, bao gồm New York Times, hiện đang kiện OpenAI vì sử dụng dữ liệu có bản quyền để huấn luyện AI mà không xin phép hay trả phí. Trước đó, nữ diễn viên Scarlett Johansson cũng đã dọa kiện OpenAI vì công cụ giọng nói của hãng có âm sắc giống cô.
Dù tạo ra những tác phẩm ấn tượng, AI cũng khiến giới nghệ sĩ và nhà làm phim lo lắng về tương lai của nghệ thuật truyền thống. Phóng viên Julia Alexander, người từng làm việc tại Disney, nhận định: “AI có thể bắt chước phong cách hình ảnh, nhưng không thể sao chép được linh hồn và giá trị nghệ thuật thực sự của Studio Ghibli.”
Bản thân đạo diễn Hayao Miyazaki từng thẳng thắn chỉ trích AI vào năm 2016, gọi nó là “sự xúc phạm". Thế nhưng, trong một nghịch lý trớ trêu, người dùng trên X đã Ghibli-hóa chính ông Miyazaki, biến ông thành một nhân vật trong thế giới hoạt hình mà chính ông đã tạo ra - một hành động dường như trực tiếp đi ngược lại với quan điểm mà nhà làm phim huyền thoại này đã bày tỏ.
"Nếu bạn thực sự muốn tạo ra những thứ đáng sợ, bạn có thể tiếp tục và làm điều đó, nhưng tôi sẽ không bao giờ muốn kết hợp công nghệ này (AI) vào công việc của mình. Tôi mạnh mẽ cảm thấy rằng đây là một sự xúc phạm đối với chính cuộc sống", ông Hayao Miyazaki từng cho biết. |
Việc OpenAI giới hạn tính năng tạo ảnh miễn phí sau 24 giờ ra mắt cũng cho thấy nhu cầu khổng lồ từ người dùng. Nhưng điều này cũng đặt ra câu hỏi về việc AI có đang “xâm chiếm” quá nhanh hay không? Dù AI mở ra kỷ nguyên mới cho sáng tạo hình ảnh, cuộc tranh luận về bản quyền và đạo đức trong công nghệ vẫn là một câu chuyện dài cần được phân tích.