Môi trường đầu tư tại TP. Huế được cải thiện rõ nét với sự minh bạch và công khai, tạo tiền đề thuận lợi cho sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng các dự án đầu tư. Trong năm 2024, Huế đã cấp phép cho 36 dự án mới với tổng vốn lên đến 12.541 tỷ đồng, bao gồm 16 dự án FDI. Đầu năm nay, nhiều dự án lớn đã được khởi công, tạo sức bật mạnh mẽ cho kinh tế địa phương, tiêu biểu là nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza (2.187 tỷ đồng) và nhà máy kính hoa siêu trắng Đạt Phương (2.000 tỷ đồng). Những dự án này không chỉ cung cấp việc làm cho hàng trăm lao động mà còn đóng góp vào ngân sách khoảng 250 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, trung tâm Logistics Chân Mây với vốn đầu tư 1.514 tỷ đồng hứa hẹn giải quyết vấn đề lưu trữ hàng hóa, thúc đẩy lượng container qua cảng. Một loạt các dự án khác như nhà ở xã hội, trung tâm thương mại, tổ hợp giáo dục FPT Huế cũng đang tiến triển tích cực, đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi diện mạo thành phố.
![]() |
Quý I năm 2025 chứng kiến sự bùng nổ của các dự án trọng điểm tại TP. Huế, từ khởi công, động thổ đến đưa vào hoạt động. Đây không chỉ là cột mốc phát triển kinh tế - xã hội mà còn đặt nền móng cho quá trình thu hút đầu tư hiệu quả trong tương lai. |
Không thể không nhắc đến những nỗ lực từ chính quyền địa phương. 4 tổ công tác đặc biệt đã giúp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như khu liên hợp sản xuất Kim Long Motor Huế, nhà máy Kanglongda Huế hay khu công nghiệp Gilimex.
Trong năm 2025, TP. Huế tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, hạ tầng khu công nghiệp, và nhà ở công nhân. Đồng thời, thành phố tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư trong thủ tục hành chính, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng và mở rộng mạng lưới liên kết kinh tế toàn cầu.