Ngày 08/7/2025, Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh đã công bố thông tin chính thức phục vụ công tác quảng bá và triển khai xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại thành phố. Đây là bước đi tiếp nối sự kiện quan trọng khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết 222/2025/QH15 vào ngày 27/6/2025 vừa qua, một dấu mốc lịch sử trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành Trung tâm tài chính quốc tế.
![]() |
Phối cảnh Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. HCM. Nguồn: Sở Xây dựng TP.HCM. |
Hành động quyết liệt sau nghị quyết
Ngay sau khi Nghị quyết 222 được thông qua, TP. Hồ Chí Minh đã khẩn trương triển khai các bước chuẩn bị. Cụ thể, ngày 07/7/2025 vừa qua, Văn phòng UBND Thành phố đã ban hành văn bản gửi đến các sở, ban, ngành nhằm huy động lực lượng đồng bộ cho công tác quảng bá, thu hút đầu tư, nhất là từ các định chế tài chính đa quốc gia và các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.
Theo bà Lê Ngọc Thùy Trang – Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh, thành phố đang huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh cải cách thể chế, quy hoạch và hạ tầng để sẵn sàng tiếp đón nhà đầu tư trong và ngoài nước ngay khi Nghị quyết chính thức có hiệu lực từ ngày 01/9/2025.
Hơn hai thập kỷ ấp ủ và chuẩn bị
Ý tưởng xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh đã được hình thành từ hơn 20 năm trước, song hành với chiến lược phát triển ngành tài chính trở thành một trong những trụ cột chính của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị. Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW, đặt ra mục tiêu xây dựng TTTCQT tại TP. Hồ Chí Minh, thành phố đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng đề án và hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hàng loạt hội thảo khoa học, hội nghị chuyên đề trong nước và quốc tế, nhằm tham vấn chuyên gia, nhà đầu tư và hoạch định cơ chế vận hành TTTC. Đáng chú ý, năm 2025, thành phố cùng Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều sự kiện lớn như hội thảo “Không gian phát triển và đào tạo nguồn nhân lực”, hội thảo “Sandbox tiền kỹ thuật số hướng đến TTTC toàn diện” và một hội thảo quốc tế về phát triển thị trường vốn.
Không chỉ dừng lại ở các sự kiện trong nước, TP. Hồ Chí Minh còn tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Đoàn công tác của thành phố đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF 2025) tại Thụy Sĩ, hội nghị thượng đỉnh chính phủ tại UAE và có các chuyến làm việc chuyên đề tại Anh, Đức, Luxembourg… để tiếp cận mô hình quản trị, điều hành TTTC hiện đại.
Đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng TTTCQT đã được thành lập, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban. Trong 6 tháng cuối năm 2025, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hoàn tất các khâu chuẩn bị nền tảng, từ pháp lý đến hạ tầng và quy hoạch.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh dự kiến xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế trên diện tích 783ha tại Quận 1 (cũ) và Khu đô thị Thủ Thiêm. |
Tập trung cho hạ tầng và pháp lý
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoàn thiện khung pháp lý để triển khai hiệu quả Nghị quyết 222/2025/QH15. Thành phố đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ ban hành 8 nghị định hướng dẫn chi tiết, đồng thời chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khi tham gia vào TTTCQT.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng số, phục vụ các nhu cầu đặc thù của các định chế tài chính lớn. Việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch không gian đô thị đang được đẩy nhanh, trong đó khu vực quận 1 (cũ) và Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức cũ) được xác định là "lõi trung tâm" của TTTCQT trong tương lai.
Với quyết tâm chính trị cao, tầm nhìn chiến lược và sự chủ động đồng bộ trong hành động, TP. Hồ Chí Minh đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ mời gọi cộng đồng tài chính toàn cầu cùng tham gia kiến tạo một trung tâm tài chính đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam.
Việc hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển riêng của đô thị này, mà còn là điểm tựa then chốt giúp Việt Nam khẳng định vị thế mới trong chuỗi tài chính khu vực và toàn cầu.
TP. Hồ Chí Minh dự kiến xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế trên diện tích 783ha tại Quận 1 (cũ) và Khu đô thị Thủ Thiêm (bao gồm 719ha mặt đất, phần còn lại là mặt sông Sài Gòn rộng 64ha). Đây là hai khu vực có vị trí chiến lược, kết nối trực tiếp với các trục giao thông chính của thành phố, được đánh giá là phù hợp để hình thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Giai đoạn đầu, khu lõi 9,2ha tại Thủ Thiêm sẽ được triển khai trước, là nơi đặt trụ sở các cơ quan quản lý, giám sát tài chính. Trong giai đoạn 2-3 năm đầu, TP. Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng để triển khai khu lõi trung tâm tài chính. Riêng phần xây dựng các trụ sở cơ quan quản lý, giám sát, tài phán sẽ sử dụng khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Chính phủ đặt mục tiêu trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh sẽ đi vào vận hành từ năm 2025 và hoàn thành trong 5 năm. Dự án được kỳ vọng góp phần vào tăng trưởng dài hạn, tạo động lực thu hút dòng vốn FDI và nâng cao vị thế TP. Hồ Chí Minh trên bản đồ tài chính thế giới. |