Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã nhấn mạnh điều này tại Lễ khai trương Trung tâm Đào tạo và Phát triển Phần mềm Chất lượng cao (CESDT) diễn ra chiều ngày 27/11/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) tổ chức.
Buổi lễ có sự tham dự của ngài HE Mr. Sandeep Arya - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ông Vipra Pandey - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh. Về phía Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có GS.TS Từ Minh Phương – Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS.TS Đặng Hoài Bắc – Giám đốc Học viện và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và các đơn vị đối tác của Học viện.
Khai trương Trung tâm Đào tạo và Phát triển Phần mềm Chất lượng cao (CESDT) thuộc dự án CDAC. |
Dự án Hỗ trợ đào tạo về CNTT trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Ấn Độ được Ấn Độ viện trợ không hoàn lại theo quỹ hợp tác ASEAN - Ấn Độ (AICF) với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao trong các quốc gia ASEAN, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia trọng điểm. Dự án này được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển Công nghệ điện toán Tiên tiến (CDAC), thuộc Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin của Chính phủ Ấn Độ, là đơn vị tiên phong trong việc phát triển siêu máy tính và các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến có tầm ảnh hưởng toàn cầu, đồng thời chủ trì các dự án như CESDT để hỗ trợ phát triển ngành CNTT tại các quốc gia thuộc khối ASEAN.
Dự án tài trợ trị giá hơn 1,1 triệu đô la Mỹ bao gồm trang thiết bị, phần mềm, đào tạo Master Trainer tại Ấn Độ, phái cử chuyên gia Ấn Độ hỗ trợ vận hành tại Việt Nam, giấy phép ủy quyền, bản quyền các khóa học, … để hình thành một trung tâm đào tạo ủy quyền của CDAC tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm phát biểu tại buổi lễ. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã cho rằng, việc hoàn thành dự án Hỗ trợ đào tạo CNTT của Trung tâm Phát triển Công nghệ điện toán Tiên tiến, thuộc Bộ điện tử và CNTT Ấn Độ tài trợ cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là minh chứng cụ thể để khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa 2 quốc gia Việt Nam - Ấn Độ.
“Việc khánh thành Trung tâm đào tạo và Phát triển phần mềm Chất lượng cao sẽ là một bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của Học viện. Bộ TT&TT tin tưởng rằng, các chương trình đào tạo về CNTT, Trung tâm sẽ trở thành một nơi lý tưởng để đào tạo các chuyên gia công nghệ số đủ năng lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia”- Thứ trưởng Phan Tâm nói.
GS.TS Từ Minh Phương – Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trao tặng quà tri ân cho ngài HE Mr. Sandeep Arya - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. |
Được biết, tại Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là đơn vị duy nhất được thụ hưởng và thực hiện dự án này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Học viện đã xây dựng đầu tư cơ sở vật chất tương xứng, tích hợp chương trình đào tạo của CDAC vào chương trình đào tạo dài hạn, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp CNTT để cung cấp các chương trình đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu doanh nghiệp.
TS. Tân Hạnh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, phụ trách cơ sở TP. Hồ Chí Minh. |
Theo TS. Tân Hạnh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, phụ trách cơ sở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Sinh viên, học viên tham gia chương trình đào tạo của dự án được học theo chương trình quốc tế, thực hành với dự án thực tế của doanh nghiệp và được cấp chứng chỉ quốc tế khi hoàn thành. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được bổ sung các kỹ năng mềm, ngoại ngữ để có thể có được việc làm tốt nhất khi hoàn thành chương trình”.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 2 - đơn vị trực thuộc Học viện được giao quản lý, vận hành CESDT đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác: Công ty Cổ phần DevPlus để đào tạo kỹ năng và cung cấp nguồn lực theo yêu cầu của các công ty phần mềm; Viện Thông tin và Quản lý Thụy Sỹ (Swiss Information and Management Institute -SIMI Swiss) cùng Hệ thống văn bằng năng lực quốc gia Anh Quốc (Ofqual UK.Gov Awarding Bodies) trong việc công nhận các chương trình đào tạo ngắn hạn cấp chứng chỉ của Trung tâm 2 và CESDT.
Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 2 - đơn vị trực thuộc Học viện được giao quản lý, vận hành CESDT đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác. |
Là cơ sở đào tạo Đại học và sau Đại học trọng điểm của ngành Thông tin và Truyền thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường Đại học tiên phong trong chuyển đổi số, triển khai Đại số tại Việt Nam. Không chỉ ứng dụng các công nghệ số để tối ưu hoá các quy trình đào tạo, giảng dạy nhằm đào tạo quy mô lớn, chất lượng cao với nguồn lực tối ưu, Học viện còn mang lại những cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với các nhu cầu học tập đa dạng của người học: đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao và đào tạo suốt đời, mang lại trải nghiệm tốt nhất và phát triển toàn diện về năng lực cho người học.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thuộc nhóm 3 trường Đại học dẫn đầu về quy mô và chất lượng đào tạo các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử, Viễn thông. Vị thế về đào tạo Công nghệ số của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đến từ bề dày và chất lượng đào tạo trong lĩnh vực này, đặc biệt trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, Điện tử, Viễn thông (ICT) bao gồm cả Trí tuệ nhân tạo, Vi mạch bán dẫn, An toàn thông tin, Khoa học và kỹ thuật dữ liệu, Công nghệ đa phương tiện. Học viện là một trong 7 trường Đại học đào tạo nguồn nhân lực An toàn thông tin trọng điểm Quốc gia, là một trong 5 trường Đại học thuộc liên minh các Cơ sở Giáo dục Đào tạo ngành Vi mạch bán dẫn. Là trường số 1 về đào tạo về Công nghệ đa phương tiện, Thiết kế và phát triển game và cũng là trường đầu tiên tại Việt Nam có Khoa Trí tuệ nhân tạo.