Điểm sáng kinh tế và văn hóa của Đồng Tháp
Cao Lãnh, thành phố tỉnh lỵ của Đồng Tháp, đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, và chính trị của tỉnh. Với diện tích tự nhiên 108,09 km² và dân số hơn 184.000 người tính đến cuối năm 2023, Cao Lãnh đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng để được công nhận là đô thị loại II. Tỉ lệ dân số khu vực nội thị đạt 53,29%, và mật độ dân số toàn đô thị ở mức 2.257 người/km².
Công nhận thành phố Cao Lãnh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Đồng Tháp có phạm vi nội thành mở rộng thêm 1 xã Mỹ Ngãi. Ảnh: dongthap.gov.vn |
Trong 3 năm qua, thành phố đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng 8,94%, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng, vượt mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người/tháng đạt mức cao, bằng 1,51 lần so với trung bình cả nước, trong khi tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 1%.
Theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và huyện của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 37-NQ/TW, xã Mỹ Ngãi đã được sáp nhập vào phường 11 để hình thành phường Mỹ Ngãi (mới). Xã Mỹ Ngãi có diện tích 6,19 km² và dân số 5.312 người, kết hợp với phường 11 (diện tích 8,24 km², dân số 13.340 người), góp phần nâng cao khả năng quản lý đô thị và phục vụ dân cư.
Vị trí chiến lược trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Với vị trí địa lý trung tâm, cách TP.HCM khoảng 155 km về phía Tây - Tây Nam, TP. Cao Lãnh được kỳ vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thành phố hiện có 8 phường và 7 xã, đảm nhiệm vai trò trung tâm tổng hợp cấp vùng.
Sơ đồ: Vị trí thành phố Cao Lãnh trong vùng ĐBSCL: Phía Tây giáp huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, qua sông Tiền. |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Đồng Tháp chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung, số liệu và thủ tục liên quan đến việc công nhận thành phố Cao Lãnh là đô thị loại II. Quy trình này đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật và tiêu chí phân loại đô thị.
Việc thành phố Cao Lãnh được công nhận là đô thị loại II đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược quy hoạch và phát triển đô thị của tỉnh Đồng Tháp. Đây không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân địa phương mà còn mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Văn Thánh miếu Cao Lãnh. Ảnh: Cồng TT DL TP. Cao Lãnh. |
Với chiến lược phát triển toàn diện và bền vững, TP. Cao Lãnh đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế - du lịch của khu vực ĐBSCL, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại I vào năm 2030.
Hướng đến đô thị loại I vào năm 2030
TP. Cao Lãnh đang hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại I vào năm 2030, với kế hoạch phát triển các khu đô thị mới dọc sông Tiền nhằm tạo ra không gian sống chất lượng cao. Thành phố tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, khai thác du lịch và chuyển đổi sang kinh tế nông nghiệp đô thị. Cao Lãnh đang khẩn trương triển khai Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn 2050, nhằm xây dựng đô thị cân bằng, bảo tồn bản sắc đặc trưng.
Hiện nay, trung tâm du lịch sinh thái 1.000 ha đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, chất lượng dịch vụ tại đây sẽ được cải thiện đáng kể, nhằm thu hút và phục vụ đa dạng nhu cầu của du khách. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch gắn kết với sản xuất nông nghiệp đô thị, mở rộng thị trường và liên kết sản xuất.
Khu du lịch sinh thái Mỹ Phước Thành (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng TTDL TP. Cao Lãnh. |
Chợ quê Tân Thuận Đông (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp). Ảnh: Cổng TTDL TP. Cao Lãnh. |
Bên cạnh đó, TP. Cao Lãnh tiếp tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tín ngưỡng - tâm linh. Việc nâng cấp các lễ hội truyền thống cũng nằm trong kế hoạch để quảng bá văn hóa địa phương, thu hút khách du lịch.
Với tầm vóc mới, TP. Cao Lãnh hứa hẹn sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, từ đó tạo nên động lực mạnh mẽ để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường đầu tư, và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội toàn vùng phát triển vượt bậc.