Tại buổi làm việc để nghe và cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2025 vào chiều ngày 9/6, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao tổng thể nội dung Đề án này
Dự thảo Đề án nêu trên khẳng định rằng: Giai đoạn 2016 – 2020, doanh nghiệp Nghệ An phát triển nhanh về số lượng và hoạt động đa dạng ở các ngành, nghề, lĩnh vực, địa bàn. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới của Nghệ An trong giai đoạn này gấp 1,49 lần so với giai đoạn 2011 – 2015 và số doanh nghiệp đang hoạt động của Nghệ An đứng thứ 9 cả nước. Hoạt động của doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Nguồn thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đóng góp an sinh xã hội…Tuy vậy, doanh nghiệp Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nhiều chỉ tiêu đánh giá về doanh nghiệp của tỉnh chưa bằng mức bình quân chung của cả nước (mật độ doanhh nghiệp/1.000 dân trong độ tuổi lao động mới bằng 43,5% mức bình quân chung, thu nhập bình quân lao động chỉ bằng 65% mức bình quân chung cả nước…). Quy mô doanh nghiệp nhỏ bé, vốn ít, công nghệ lạc hậu, thiếu lao động kỹ thuật, trình độ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, hiệu quả thấp và chưa có nhiều thương hiệu mạnh đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế. Môi trường đầu tư kinh doanhh mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, quản trị, nguồn nhân lực…Thêm vào đó, việc trển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả chưa cao…
Những tồn tại, hạn chế…
Quy mô, năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nghệ An còn nhiều hạn chế, cụ thể: Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn so với trung bình cả nước và một số tỉnh trong khu vực. Quy mô của doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới 97,03% số lượng doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp hoạt động của Nghệ An xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy vậy, quy mô vốn đăng ký thành lập/01 doanh nghiệp của Nghệ An xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Số lượng doanh nghiệp dẫn đầu, đóng vai trò thúc đẩy sự tăng trưởng của một ngành, lĩnh vực, một chuỗi giá trị hoặc một cụm doanh nghiệp của tỉnh còn rất khiêm tốn. Số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên chỉ chiếm 2,97% tổng số doanh nghiệp của Nghệ An.
Đường băng sân bay Cảng hàng không Quốc tế Vinh hiện chưa đáp ứng điều kiện để đón các máy bay cỡ lớn cho các đường bay quốc tế
Số doanh nghiệp đang hoạt động chỉ chiếm 56,48% số lượng doanh nghiệp đăng ký. Tỷ lệ doanh nghiệp đóng góp thu ngân sách còn thấp. Năm 2020, chỉ có khoảng 42% tổng số doanh nghiệp hoạt động nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó khoảng 1,62% tổng số doanh nghiệp hoạt động nộp thuế trên 01 tỷ đồng. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, phải tạm dừng, giải thể.
Đại đa số các doanh nghiệp vốn ít, khó có khả năng đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dẫn đến khả năng cạnh tranh, hội nhập và hiệu quả hoạt động chưa cao. Chưa có nhiều thương hiệu sản phẩm tầm quốc gia. Tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn thấp (12,94%). Số lượng các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu còn ít, đến cuối năm 2020 chỉ chiếm 1,5% số doanh nghiệp đang hoạt động.
Trình độ quản lý và năng lực quản trị, điều hành của đa số các doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu chiến lược và kế hoạch kinh doanh dài hạn. Hoạt động sản xuất kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, phong trào, chưa có sự đầu tư theo chiều sâu. Mối liên kết giữa các doanh nghiệp yếu, rời rạc. Năng lực tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị hạn chế.
Đồng thời, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc, như: Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đã được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, nhưng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” làm cản trở trong quá trình thu hút đầu tư các doanh nghiệp và phát triển kinh tế. Cảng Cửa Lò đang thiếu cảng biển nước sâu nên chi phí logistics cao, nhiều mặt hàng xuất khẩu phải thông qua cảng Hải Phòng. Đường băng sân bay Vinh chưa đáp ứng điều kiện để đón các máy bay cỡ lớn cho các đường bay quốc tế (đã được định hướng mở ra trong thời gian tới). Hạ tầng khu, cụm công nghiệp của tỉnh còn hạn chế.
Cảng Cửa Lò (Nghệ An) đang thiếu cảng biển nước sâu nên chi phí logistics cao, nhiều mặt hàng xuất khẩu phải thông qua cảng Hải Phòng
Công tác cải cách hành chính đã từng bước được cải thiện, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật, kỹ sư, nguồn nhân lực chất lượng cao (mặc dù nguồn nhân lực dồi dào với lực lượng lao động 1,926 triệu lao động/3,36 triệu dân, nhưng trình độ tay nghề, kỹ năng chưa đáp ứng yêu cầu). Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tìm kiếm mặt bằng kinh doanh, nguồn vốn, đổi mới công nghệ, tuyển dụng nhân sự chất lượng cao, mở rộng thị trường, nhà cung cấp và thực hiện các thủ tục pháp lý…
Song song với những “điểm nghẽn” nêu trên thì việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiệu quả chưa cao, đơn cử: Mặc dù Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành từ năm 2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng số lượng doanh nghiệp thực tế được hưởng rất hạn chế. Một số chính sách thực hiện chưa hiệu quả, hoặc chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, một số chính sách mới chỉ mới dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung chung, chưa có những quy định cụ thể về đối tượng, quy trình thủ tục nên gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, chủ yếu mới đang ở các bước đầu triển khai luật như: Xây dựng, ban hành kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các sở, ban, ngành và địa phương còn hạn chế; kết quả hỗ trợ chưa nhiều, chưa bám sát thực tế nhu cầu của doanh nghiệp, chỉ mới tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Các sở, ngành và địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hoá chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương. Các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanhh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa rõ nét, chưa thực chất.
Đâu là nguyên nhân?
Có thể nói, dự thảo Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này xây dựng đã nêu rõ về nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế có tính chất “điểm nghẽn” trong phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, cụ thể:
Về nguyên nhân khách quan: Hệ thống pháp luật và chính sách của nhà nước liên quan đến doanh nghiệp vẫn còn một số chồng chéo, bất cập và thiếu tính ổn định; bối cảnh kinhh tế thế giới và trong nước tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường; tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinhh doanh của khu vực doanh nghiệp tỉnh.
Đặc biệt, Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, dân số đông nhưng chủ yếu là miền núi, thuộc địa bàn khó khăn nên phát triển doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực yêu cầu trình độ, công nghệ cao còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng tuy có cải thiện, song chưa đáp ứng để Nghệ An có thể thu hút được doanh nghiệp quy mô lớn làm động lực cho phát triển của tỉnh, đáng chú ý là hệ thống cảng biển, sân bay và logistics.
Dịch vụ logistics đang được Nghệ An quan tâm (ảnh minh hoạ)
Về nguyên nhân chủ quan: Trước hết, nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò và trách nhiệm đối với phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa theo kịp yêu cầu mới. Đồng thời, chưa tạo được môi trường thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và chưa chủ động nắm bắt về tình hình hoạt động, những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp theo địa bàn, lĩnh vực để kịp thời hỗ trợ. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp để hỗ trợ phát triển doanhh nghiệp chưa chặt chẽ, đồng bộ nên hiệu quả chưa cao và còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Các chính sách hỗ trợ phát triển doanhh nghiệp được Trung ương và địa phương ban hành tương đối đồng bộ và đầy đủ nhưng thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện. Nguồn kinh phí thực hiện đa số được cân đối từ nguồn ngân sách địa phương, trong khi nguồn lực của địa phương rất hạn chế.
Mặt khác, đa phần các doanh nghiệp Nghệ An có bước khởi đầu với xuất phát điểm thấp, thậm chí chỉ từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, luôn trong tình trạng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị và tài sản đảm bảo, nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, doanhh nhân Nghệ An chưa thực sự năng động, thiếu nắm bắt thông tin dự báo. Trình độ quản lý doanh nghiệp chưa đáp ứng với đòi hỏi của nên kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế. Chưa coi trọng việc xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư kinh doanh dài hạn. Khả năng chống chịu, thích ứng với biến động thị trường còn thấp.
Cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An
Trong khi đó, nội dung, hình thức hoạt động của các hội, hiệp hội doanh nghiệp của Nghệ An chưa phong phú và công tác hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, ngành hàng còn hạn chế. Hơn nữa, nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ được quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia các tổ chức hội nên chưa chủ động tham gia.
Từ thực trạng, những tồn tại, hạn chế và sự lý giải về nguyên nhân nêu trên cho thấy sự cần thiết trong việc Nghệ An đang tập trung xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp của tỉnh đến năm 2025 là thật sự cần thiết. Vậy, triển vọng của Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này xây dựng sẽ có giải pháp gì để “khơi thông” những “điểm nghẽn” đã tồn tại trong việc phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020(?), doanhnghiephoinhap.vn sẽ thông tin đầy đủ về vấn đề trên tới quý bạn đọc ở các bài tiếp theo.
Văn Cương – Hoàng Lan