Các doanh nghiệp mua cá ngừ vây vàng không xin được giấy xác nhận nguyên liệu. Nguyên nhân do ban quản lý cảng cá cho rằng, cá kích cỡ nhỏ mới đúng là cá ngừ vây vàng, trong khi cá có kích thước lớn không phải, nên cảng cá không cấp giấy xác nhận. Đáng nói, hiện Việt Nam không có quy định nào quy định về phân biệt cá ngừ vây vàng theo kích cỡ.
Một số ban quản lý cảng cá còn không cấp giấy xác nhận nguyên liệu theo số lượng khai thác thực tế mà chỉ cấp theo số lượng ít hơn khiến một lượng cá rơi vào tình trạng “không rõ nguồn gốc”. Đặc biệt, nếu tàu cá với nghề “câu cá ngừ” đánh bắt được các loại cá khác như: Cá cờ kiếm, cá dũa, cá thu…; ban quản lý cảng cá sẽ không cấp giấy xác nhận nguyên liệu cho những lô cá này.
Điều này khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp ách tắc, gây suy giảm nghiêm trọng đến kim ngạch xuất khẩu cá khai thác sang thị trường châu Âu.
Đại diện VASEP cho biết, nguyên nhân bất cập này xuất phát từ Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 4 (NAFIQAD 4) ngày 16/2 có công văn gửi Tổng cục Thủy sản về việc xác thực tính phù hợp nội dung của giấy xác nhận khai thác và nhật ký khai thác thủy sản. Trong thời gian chờ đợi các đơn vị hướng dẫn, ban quản lý cảng cá ngưng cấp giấy xác nhận nguyên liệu
Ngoài ra, NAFIQAD 4 còn lo ngại thời gian từ lúc bắt đầu khai thác đến bốc dỡ nguyên liệu (khi tàu cá cập cảng) kéo dài từ 3 - 5 tháng không đảm bảo an toàn thực phẩm nên không cấp giấy chứng thư (cho những lô hàng có thời gian đánh bắt trong khoảng này).
Theo ông Hòe, quy định này chưa hợp lý bởi đặc thù của nghề khai thác tàu có kích thước lớn đi biển thường trên 1 tháng (có khi từ 2-5 tháng).
Khi tàu ra đến vùng khai thác mà chưa có luồng cá sẽ dành thời gian thăm dò mà chưa quăng lưới. Đặc biệt, có trường hợp các tàu đi khai thác theo nhóm. Lúc đó, 1 tàu sẽ được giao đi biển trước để thăm dò để báo các tàu khác ra sau (nên các tàu trong đội đã khai thác xong, tàu đó mới bắt đầu quăng lưới khai thác).
"Điều này khiến thời gian dù đi biển dài nhưng cá khai thác ở giai đoạn sau vẫn đảm bảo được trên tàu. Đặc biệt, Việt Nam chưa có quy định về thời gian khai thác biển như thế nào mới được xuất khẩu", ông Hòe nói.
TPO thông tin, về việc này, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết, sau khi nhận được phản ánh của các doanh nghiệp, đơn vị này đã khẩn trương chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố và tổ chức quản lý cảng cá tăng cường thực hiện việc giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đặc biệt đối với cá ngừ, cá cờ kiếm, đảm bảo chính xác về thành phần loài, khối lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng của tàu cá theo quy định.
Theo ông Luân, đơn vị đề nghị thực hiện việc cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) theo đúng trình tự, thủ tục; không dùng các tiêu chí như kích thước thủy sản cho phép khai thác, sản lượng tối đa cho phép khai thác, số ngày tối đa của chuyến biển để làm căn cứ thẩm định cấp giấy. Ngoài ra, thời gian khai thác ghi trên giấy S/C được tính từ ngày thả mẻ lưới đầu tiên đến ngày thu mẻ lưới cuối cùng trong chuyến biển của tàu đánh bắt nguồn lợi.
"Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị các Sở NN&PTNT tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ liên quan đến hoạt động của các nghề khai thác thủy sản; nhận dạng thành phần loài thủy sản theo nghề;… cho các cán bộ, nhân viên xác nhận nguyên liệu thủy sản bốc dỡ tại cảng cá, đồng thời đẩy nhanh thực hiện việc ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản điện tử và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử", lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho biết.
Lâm Nghi t/h