Trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tiếp tục duy trì nền tảng tài chính ổn định, kiểm soát rủi ro tốt và chủ động triển khai các chương trình tiếp sức cho khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đó, kết thúc quý II/2025, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 33% so với quý trước, chủ yếu nhờ thu nhập ngoài lãi tăng 68% và chi phí dự phòng giảm 26%. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 10.700 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ.
Tỷ suất sinh lời ROE tiếp tục duy trì ở mức cao trên 20%, trong khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giữ ở mức 32%, cho thấy nỗ lực kiểm soát vận hành hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Dư nợ tín dụng đạt 634.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm, với cơ cấu cân bằng giữa cá nhân và doanh nghiệp. Tỷ lệ nợ xấu trước CIC giảm còn 1,18%, và sau CIC là 1,26% so với mức 1,49% cuối năm 2024 – tiếp tục nằm trong nhóm thấp nhất ngành, phản ánh năng lực kiểm soát rủi ro hiệu quả.
Huy động vốn tăng trưởng đồng nhịp, đạt 707.000 tỷ đồng, tăng 10,6%, trong đó tiền gửi khách hàng chiếm hơn 567.000 tỷ đồng, tăng 5,6%.
Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tiếp tục cải thiện, đạt 22,6% nhờ đẩy mạnh số hóa dịch vụ và mở rộng hệ sinh thái tiện ích, nâng cao tỷ trọng vốn giá rẻ trong cơ cấu huy động.
Để có được mức lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 33% trong quý II/2025, theo ACB, ngân hàng đã hàng tiên phong “kích hoạt làn sóng chuyển mình" ngay khi Nghị quyết 68 được ban hành, ACB triển khai gói tín dụng 40.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi hơn 2% so với thông thường.
Một nửa nguồn vốn dành cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, nửa còn lại hướng đến các doanh nghiệp lớn có chiến lược đầu tư bài bản vào hạ tầng và công nghệ số.
Nhờ đó, tín dụng doanh nghiệp tại ACB tăng mạnh 9,1% chỉ trong quý II/2025, cho thấy niềm tin của thị trường đang được tiếp sức bằng nguồn lực đúng lúc, đúng chỗ.
Với khối doanh nghiệp FDI, một lực đẩy tăng trưởng mới của nền kinh tế, ACB triển khai chiến lược “thiết kế riêng” theo hành trình đầu tư đặc thù, giúp dư nợ FDI tăng hơn 70% chỉ trong nửa đầu năm.
Đối với hơn 5 triệu hộ kinh doanh trên toàn quốc, ACB không chỉ hỗ trợ lãi suất, mà còn tích hợp các giải pháp vận hành từ hóa đơn điện tử đến liên kết bán hàng và kết nối tài chính.
Với nhóm khách hàng trẻ, ACB cũng là ngân hàng đầu tiên triển khai gói vay “Ngôi nhà đầu tiên” chỉ 01 ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng. Sau 4 tháng triển khai, dư nợ chương trình đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Theo ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB, ngân hàng đang từng bước trở thành một tập đoàn tài chính hiệu quả, vượt khỏi giới hạn của một ngân hàng truyền thống. Lợi nhuận ổn định và nền tảng quản trị rủi ro vững chắc trong nửa đầu 2025 là nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn này.