TikTok Shop trở thành thách thức lớn đối với Shopee và Lazada tại Đông Nam Á

08:00 20/07/2024

Là phần mềm do công ty ByteDance sở hữu, TikTok đang nhanh chóng bước lên bảng xếp hạng các sàn thương mại điện tử được ưa chuộng khắp khu vực Đông Nam Á, thách thức những đối thủ tiên phong trước đó như Shopee và Lazada của Alibaba.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sự phát triển vượt bậc này được công bố thông qua một báo cáo hàng năm đăng tải trên thời báo Nikkei Asia vào thứ Ba vừa qua do công ty Momentum Works, một công ty tư vấn có trụ sở tại Singapore, thực hiện.

Cánh tay nối dài của TikTok trong mảng thương mại điện tử là TikTok Shop đã có một mức tăng trưởng đáng kể xét về về tổng giá trị khối lượng hàng hóa bán ra (GMV), cụ thể con số này đã tăng lên gần gấp bốn lần, từ 4,4 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2022 lên 16,3 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2023.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ nêu trên, kết hợp với việc TikTok mua lại phần lớn cổ phần tại Tokopedia - một trong những công ty được mệnh danh là kỳ lân công nghệ của Indonesia - vào năm ngoái, đã đưa nền tảng này lên vị trí thứ hai trong thị trường thương mại điện tử ASEAN, chiếm khoảng 28,4% thị phần vào năm 2023.

Báo cáo chỉ ra rằng tổng giá trị khối lượng hàng hóa bán ra của toàn bộ các sàn thương mại điện tử ở Đông Nam Á đạt 114,6 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu mức tăng 15% so với năm trước.

Trong khi Shopee duy trì vị trí dẫn đầu thị trường với 48% thị phần toàn khu vực thì Lazada tụt xuống vị trí thứ 3 với 16,4%. TikTok và Tokopedia đều nắm giữ 14,2% thị phần. Theo báo cáo nêu trên, Tokopedia hiện tại cũng cung cấp dịch vụ không khác gì “TikTok Shop”, chỉ khác về tên gọi. “Việc đồng nhất sẽ được thực hiện sau cuộc tổng tuyển cử tại Indonesia, theo đó đội ngũ từ TikTok Shop sẽ dần thay thế các hệ thống và cách thức hoạt động của Tokopedia”.

“Mặc dù TikTok Shop vẫn chưa chạm được đến những giá trị cốt lõi của Shopee, nhưng nó đang chiếm lấy phần lớn tiềm năng mà Shopee có thể đạt được”, báo cáo cho biết.

Những bước tiến linh hoạt

Sự hợp tác với Tokopedia đã giúp TikTok Shop vượt qua khó khăn tại Indonesia
Sự hợp tác với Tokopedia đã giúp TikTok Shop vượt qua khó khăn tại Indonesia.

TikTok đã từng phải đối mặt với khó khăn khi Indonesia là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phản đối TikTok. Lúc bấy giờ, việc giải quyết vấn đề ở Indonesia sẽ là vấn đề then chốt với TikTok khi các chính phủ trên khắp thế giới đánh giá cách quốc gia lớn nhất Đông Nam Á hành động nhằm hạn chế sự hiện diện thương mại điện tử đang phát triển của gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc. 

Momentum Works cũng lưu ý rằng việc TikTok Shop tìm ra giải pháp cho lệnh cấm ở Indonesia chỉ sau hai tháng là vô cùng nhanh chóng. Cuối năm 2023, TikTok đã đạt được thỏa thuận đầu tư vào tập đoàn GoTo, công ty mẹ của Tokopedia, một trong những đối thủ cạnh tranh lớn của TikTok Shop tại quốc gia này. Động thái này đã biến các bên liên quan của tập đoàn GoTo, bao gồm cả những doanh nghiệp có tiếng tại Indonesia trở thành đồng minh của công ty này thay vì trở thành đối thủ.

Nền tảng phát sóng video trực tuyến bỗng chốc thành sàn thương mại điện tử này không phải là bên duy nhất đang tìm kiếm giải pháp từ việc hợp tác chiến lược. Tổng giá trị khối lượng hàng hóa bán ra cũng như thị phần của Tokopedia đang sụt giảm. Lượng hàng hóa bán ra trì trệ bất chấp cả trong thời kỳ đại dịch bùng nổ và tình trạng bên thứ ba cắt giảm doanh số bán hàng trên nền tảng này thấp hơn nếu so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này một phần là do sự gia tăng của một bộ phận hàng hóa và dịch vụ ít sinh lời xuất hiện trên nền tảng.

Với mục đích làm đa dạng hóa các dịch vụ đang có, TikTok đã có một nước đi táo bạo khi triển khai chương trình thí điểm sử dụng nền tảng chia sẻ các video ngắn của chính mình, nhằm quảng bá các gói dịch vụ mua theo nhóm đối với các mặt hàng và dịch vụ địa phương tại Indonesia và Thái Lan. Sáng kiến này ban đầu tập trung vào các gói mua theo nhóm trong hoạt động kinh doanh ăn uống, tận dụng chính sự phổ biến rộng rãi TikTok để quảng bá và thu hút cả người bán và người tiêu dùng.

Sự bành trướng nhanh chóng

Để tăng cường việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng, TikTok đã và đang tuyển dụng nhiều nhân lực trên toàn bộ khu vực Đông Nam Á và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để giải quyết các vấn đề tại từng địa phương, bao gồm việc quản lý chuỗi cung ứng và tuân thủ các quy định của nước sở tại. Điều này nhằm giúp TikTok đối phó với các hạn chế ở các thị trường khác và hạn chế rủi ro phải ngừng hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh công ty đang gặp khó khăn tại thị trường Hoa Kỳ khi bị ép buộc hoặc phải thoái vốn, hoặc bị cấm hoàn toàn tại quốc gia này.

Việc TikTok chuyển sang kinh doanh các dịch vụ địa phương thể hiện khả năng thích ứng và cách tiếp cận đổi mới để phát triển, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Chiến lược này khá quan trọng nhằm duy trì sự ổn định lâu dài của nền tảng khi nó vượt qua các thách thức pháp lý toàn cầu và giúp công ty tìm kiếm các nguồn doanh thu mới.

Sự xuất hiện của đối thủ mới trong thương mại điện tử tại Đông Nam Á

Đáng chú ý là Temu, chi nhánh toàn cầu của Pinduoduo - một trong những gã khổng lồ công nghệ tại Trung Quốc và cũng có thế mạnh về thương mại điện tử, cũng đã thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á, mặc dù trọng tâm chính vẫn là các khu vực giàu có hơn như Bắc Mỹ và Châu Âu. Dù mới chỉ ra mắt vào 1/9/2022 nhưng Temu tại Mỹ nhận được nhiều lời tích cực từ người tiêu dùng, hứa hẹn sẽ trao cho người tiêu dùng khả năng tiếp cận sản phẩm chất lượng cao với giá cả phải chăng hơn.

Sự thay đổi này trong bối cảnh thương mại điện tử nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền tảng truyền thông xã hội trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến và báo hiệu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa những công ty lớn trên thị trường kỹ thuật số Đông Nam Á.

Phương Linh