Hành động của Christian Siriano là tình nguyện, và nhà thiết kế 35 tuổi đã vận động đội ngũ thợ may của mình vốn đang làm việc tại nhà (WFH), cùng tham gia hoạt động có ý nghĩa nói trên.
Hàng loạt nhà thiết kế thời trang đã có cuộc chuyển hướng đầy sáng tạo sang làm khẩu trang, đồ bảo hộ cho bệnh viện chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa: The Guardian |
Vào cuối tuần trước, Thống đốc New York, Andrew Cuomo đã tổ chức một cuộc họp báo yêu cầu các doanh nghiệp ở New York giúp sản xuất thêm các vật tư y tế cần thiết để đối đầu với virus corona. “Nếu bạn có thể làm được, chúng tôi sẽ cung cấp kinh phí. Tôi đang yêu cầu các doanh nghiệp hãy thể hiện sự sáng tạo”, ông nói.
Trong cuộc họp ngắn, Thống đốc Cuomo đã liệt kê các vật dụng cần thiết cho nhân viên y tế bao gồm găng tay, áo bảo hộ và khẩu trang. Ngay lập tức, nhà thiết kế Christian Siriano đã lên tiếng trên trang Twitter của mình: “Nếu @NYGovCuomo nói rằng họ cần khẩu trang, đội ngũ nhân viên của tôi có thể góp sức. Đội ngũ thợ may của tôi hiện đang làm việc ở nhà nhưng vẫn có thể giúp đỡ”. Ông Cuomo liền trả lời: “Cảm ơn bạn. Vui lòng bấm nút theo dõi và chúng tôi sẽ DM (gửi tin nhắn trực tiếp - PV) cho bạn”. Người đại diện của Christian Siriano cho biết nhà thiết kế thời trang đã chỉ định 10 thợ may của mình ở New York trở lại làm việc, họ bắt đầu may khẩu trang và hy vọng sẽ sản xuất vài ngàn chiếc mỗi tuần.
Ngay sau đó, chín công ty thời trang khác của Mỹ, gồm American American Giant, Fruit of the Loom, Hanesbrands, Parkdale Inc., Los Angeles Apparel, AST Sportswear, American Knits, Beverly Knits, và Riegel Linen đã thành lập một "liên minh" để sản xuất khẩu trang y tế.
Góp sức cho cuộc chiến chống Covid-19
Kering, một trong những tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới sở hữu 11 thương hiệu thời trang, đồng hồ, trang sức danh tiếng và có trụ sở tại Paris, đã đưa ra thông điệp sẽ góp sức hỗ trợ chính quyền các địa phương trong cuộc chiến chống lại virus corona.
Xưởng may khẩu trang của Tập đoàn Miroglio ở Ý. Ảnh: CNN |
Để bắt đầu chương trình này, tập đoàn do tỉ phú François Pinault sáng lập và sở hữu với các thương hiệu danh tiếng như Gucci và Alexander McQueen, từ giữa tháng này đã đặt mua 3 triệu mặt nạ phẫu thuật từ Trung Quốc và tặng chúng cho ngành y tế của Pháp. Tập đoàn cũng đã quyên góp một khoản tiền (không được tiết lộ) cho Viện Pasteur, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên ngăn ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm, để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu về Covid-19.
Và ba nhãn hiệu riêng của Kering là Balenciaga, Saint Laurent và Gucci đang hiện thực hóa lời cam kết giúp đỡ các cơ sở y tế. Các xưởng sản xuất tại Pháp của Balenciaga và Saint Laurent đã tham gia sản xuất khẩu trang ngay sau khi được chin quyền địa phương phê duyệt quy trình sản xuất và nguồn vật liệu. Còn thương hiệu Gucci cũng cam kết về việc sản xuất và quyên góp đồ dùng cho hoạt động điều trị tại Ý.
Kering nói rằng tập đoàn có thể sản xuất tới 1,1 triệu mặt nạ dùng cho y bác sĩ trong phẫu thuật và 55.000 áo bảo hộ y tế mỗi tháng. Kering và các công ty con của mình đã quyên góp vật tư cho các bệnh viện ở vùng Bologna, Veneto, Tuscany và Lazio của Ý.
Thông báo của Kering được phát ra đồng thời với thông báo của đối thủ LVMH. Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm và nước hoa cho các thương hiệu thuộc sở hữu của LVMH như Guerlain, Christian Dior và Givenchy đã bắt đầu sản xuất một lượng lớn dung dịch rửa tay khử trùng, và tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới này cũng đã đặt hàng từ Trung Quốc 40 triệu chiếc khẩu trang (trị giá 21 triệu đô la) giúp Pháp đối phó dịch bệnh bùng phát mạnh.
Cụ thể, các nhà máy sản xuất nước hoa chuyên dụng của hãng Givenchy và Dior (công ty con của LVMH) đã chuyển đổi sang sản xuất nước rửa tay sát khuẩn cung cấp miễn phí cho các bệnh viện. “Thông qua sáng kiến này, LVMH dự định sẽ giúp giải quyết nguy cơ thiếu vật tư y tế ở Pháp và giúp đỡ nhiều người có thể bảo vệ bản thân khỏi sự lây lan của virus”, thông cáo báo chí của tập đoàn cho biết.
Các nhà nghiên cứu đang điều chế nước rửa tay sát khuẩn tại phòng thí nghiệm thuộc LVMH. Ảnh: Forbes |
Chỉ vài ngày sau khi thông báo nói trên được công khai, Romain de Jorna, người làm việc tại Bệnh viện Saint-Louis ở Paris đã đăng một bức ảnh trên Twitter của mình về chai nước rửa tay LVMH: "Không có gì đáng ngạc nhiên, nó trông rất sang trọng".
Theo Financial Times, LVMH đã quyên góp 12 tấn gel khử trùng cho 39 bệnh viện của Hệ thống y tế hỗ trợ cộng đồng ở Paris (APHP) vào cuối tuần qua.
Cuộc chuyển hướng để tự cứu mình
Vào ngày 23-3, khi biết tin có ít nhất 17 bác sĩ tử vong và 3.654 nhân viên y tế của Ý nhiễm virus corona chủng mới, thương hiệu thời trang nổi tiếng của quốc gia này – Prada bắt đầu đưa vào sản xuất 80.000 bộ quần áo bảo hộ và 110.000 khẩu trang để giảm bớt phần nào tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế trầm trọng. Tất cả sản phẩm này sẽ được hãng cung cấp miễn phí cho đội ngũ nhân viên y tế và bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Prada cho biết sẽ mở cửa nhà máy liên tục cho đến ngày 6-4 để đảm bảo lượng lớn vật tư hỗ trợ cho ngành y tế. Đồng thời, đại diện thương hiệu cũng tuyên bố tặng 2 phòng chăm sóc đặc biệt ICU (Intensive Care Unit) cùng nhiều trang thiết bị y tế khác cho các bệnh viện lớn nhất ở Milan, Ý.
Dây chuyền sản xuất nước rửa tay sát khuẩn tại một nhà máy của Christian Dior. Ảnh: CNN |
Từ trung tuần tháng 3, tuân theo nghị định của Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, ngành công nghiệp thời trang Mỹ chìm trong “bóng tối” khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa. Mới đây, Tổng thống Donald Trump nói rằng nước Mỹ cần sự giúp đỡ từ các nhà thiết kế để sản xuất khẩu trang và trang phục bảo hộ cho các bệnh viện vì nguồn cung đã cạn kiệt. Đáp ứng lời kêu gọi này, nhiều nhà thiết kế thời trang và nhà máy may mặc đã bắt tay vào công việc để hỗ trợ Chính phủ.
Dov Charney – người sáng lập công ty thời trang Los Angeles Apparel – nhận nhiệm vụ sản xuất khẩu trang và trang phục bảo hộ cho y bác sĩ tại bệnh viện. Ông cho biết nhà máy rộng 150.000 mét vuông của mình có thể sản xuất 300.000 khẩu trang và 50.000 bộ đồ bảo hộ trong một tuần.
Công ty đồ bơi Karla Colletto đã đóng cửa nhà máy ở Virginia nhưng dự định sẽ mở lại để giúp khắc phục sự thiếu hụt nghiêm trọng đồ bảo hộ tại các bệnh viện.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đều khó khăn vì tình hình dịch bệnh kéo dài, nhiều nhà thiết kế, nhà máy may mặc và các thương hiệu xa xỉ chuyển đổi mô hình sản xuất là để tiếp tục tồn tại và phù hợp với hoàn cảnh. Tại Tây Ban Nha, Inditex - công ty mẹ của Zara - cũng hoàn thiện các nhà máy dệt của mình để tiến hành sản xuất trang phục bảo hộ y tế.
Những cuộc quyên góp ủng hộ, hành động chuyển đổi mô hình sản xuất của các tập đoàn thời trang lớn trên thế giới phần nào giải quyết được tình trạng thiếu hụt lượng lớn trang thiết bị bảo hộ y tế tại các điểm nóng của dịch Covid-19. Nghĩa cử tốt đẹp này nhanh chóng nhận được nhiều lời khen ngợi, cổ vũ từ các tín đồ thời trang trên toàn cầu, giúp nâng cao hình ảnh của các thương hiệu.
Không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của các thương hiệu thời trang, tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, đây cũng là phương cách giúp họ vượt qua giai đoạn khủng hoảng khi doanh thu các hãng sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh. Hàng loạt cửa hàng đóng cửa; nhiều tuần lễ thời trang, các buổi ra mắt bộ sưu tập đã bị hủy bỏ...
Những khoản chi phí khổng lồ từ tiền lương cho nhà thiết kế, nhân viên lẫn phí thuê mặt bằng đắt đỏ sẽ gây khó cho các hãng thời trang trong việc cân đối tài chính nếu lượng hàng bán ra giảm mạnh. Nhiều hãng còn đau đầu về việc các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, điển hình là nguồn hàng dệt may, khi nhiều cơ sở sản xuất tại Mỹ, Ý và Thụy Sĩ đã đóng cửa, trong khi đó, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.
Bản thân các nhà sản xuất đều biết rõ nếu dịch bệnh kéo dài sẽ mất rất nhiều thời gian cho hoạt động khôi phục kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp thời trang xa xỉ. Bên cạnh việc tìm ra giải pháp giảm thiểu thiệt hại nặng nề khi dịch bệnh lan rộng, việc xây dựng chiến lược cho tương lai cũng là một vấn đề đầy thách thức mà các tập đoàn thời trang xa xỉ phải giải quyết.
Theo Financial Times, CNN