Theo Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG), phụ nữ hiện đang nắm giữ khoảng 20 nghìn tỷ USD chi tiêu hàng năm và dự kiến đến năm 2028, họ sẽ quyết định 75% chi tiêu trên toàn cầu. Điều này mở ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp biết tận dụng tiềm năng tiêu dung ngày một tăng của phụ nữ, đặc biệt thông qua các chính sách mua sắm đa dạng và có trách nhiệm giới.
Các doanh nghiệp đang dần nhận ra lợi ích khi hợp tác với các nhà cung cấp nữ, không chỉ giúp đa dạng hóa mạng lưới nhà cung cấp mà còn tăng tính bền vững của nguồn cung. Thực tế cho thấy, Công ty truyền thông AT&T đã ghi nhận doanh thu tăng thêm 4 tỷ USD trong năm 2014 nhờ vào việc thu hút các nhà cung cấp là phụ nữ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng ngày nay, đặc biệt là phụ nữ, ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Phụ nữ sẵn sàng thử nghiệm và ủng hộ, gắn bó với các thương hiệu hỗ trợ phụ nữ và do phụ nữ lãnh đạo..
Mua sắm có trách nhiệm giới cũng giúp nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt người lao động, làm tăng cường sức cống hiến của nhân viên cũng như thúc đẩy việc trao quyền cho phụ nữ, đẩy mạnh các chuẩn mực ESG, cải thiện hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững. Theo khảo sát của UN Women năm 2022, hơn 70% doanh nghiệp cho rằng việc mua sắm có trách nhiệm giới đã giúp mở rộng mạng lưới cung cấp, tiết kiệm trung bình 20% chi phí mua sắm, tăng cường đổi mới và củng cố danh tiếng của công ty. Đặc biệt, 76% doanh nghiệp tham gia khảo sát đồng ý rằng mua sắm có trách nhiệm giới còn nâng cao sự hài lòng của nhân viên, góp phần tích cực vào quản lý nhân sự và giữ chân nhân tài.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 1% chi tiêu toàn cầu đến từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Các doanh nghiệp nữ, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp nhiều khó khắn khi tham gia chuỗi cung ứng. Các khách mua ở quy mô nhỏ và vừa thường dựa trên các mối quan hệ lâu năm với nhà cung cấp cũ hoặc chỉ hợp tác với nhà cung cấp mới khi có người quen giới thiệu. Trong khi đó, các chuỗi siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn lại có yêu cầu kỹ thuật chặt chẽ và quy trình mua sắm phức tạp. Các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo thường thiếu các mối quan hệ, khiến họ khó tiếp cận các chuỗi nhà hàng, khách sạn lớn. Năng lực và nguồn lực dành cho việc phát triển khách hàng cũng là một khó khăn phổ biến đối với các nữ doanh nhân ở quy mô nhỏ và vừa.
Đáp lại những thách thức và tiềm năng này, sự kiện Kết nối Kinh doanh đã được UN Women và WISE tổ chức để hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
11 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, đã giới thiệu về sản phẩm và lợi thế cạnh tranh của mình. Đây đều là các doanh nghiệp đã tham gia chương trình Tăng tốc Kinh doanh dành riêng cho phụ nữ - Thúc đẩy mua sắm đa dạng và có trách nhiệm giới. Chương trình gồm các hoạt động hỗ trợ toàn diện như đào tạo, nâng cao năng lực, cố vấn, kết nối kinh doanh và đầu tư, nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu được nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu, xác định lợi thế bán hàng, phát triển chiến lược tăng trưởng và tiếp cận tài chính. Sau 6 tháng tham gia chương trình, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng và trở thành nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn như JW Marriott Hà Nội.
Thúc đẩy mua sắm đa dạng và có trách nhiệm giới trong ngành dịch vụ khách hàng |
Tạ sự kiện, tọa đàm về thách thức và giải pháp để phát triển chuỗi cung ứng bền vững cũng là một điểm nhấn quan trọng, với những chia sẻ từ các đại diện của Marriott International và Golden Gate về kinh nghiệm thực hiện chính sách mua sắm đa dạng và có trách nhiệm giới.
Bà Từ Thu Hiền, Nhà Sáng lập kiêm Giám đốc WISE, đã chia sẻ: “Thúc đẩy mua sắm có trách nhiệm giới không chỉ là một hành động đúng đắn về mặt đạo đức mà còn mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng. Sự kiện hôm nay là bước tiến quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ với các đơn vị thu mua lớn, giúp họ vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.”
Ông Nguyễn Bá Bằng, Trưởng phòng Xúc tiến Nông nghiệp – Trung tâm Xúc tiến Đầu Tư, Nông nghiệp, Du lịch Hà Nội chia sẻ: “Với sự phong phú về nguồn lực nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp thực phẩm và OCOP của Việt Nam không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cao mà còn mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Đây chính là lợi thế lớn giúp các sản phẩm này không chỉ có tiềm năng lớn để tiếp cận thị trường nội địa mà còn tham gia vào chuỗi cung ứng ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Với sự hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến và kết nối, chúng tôi tin rằng các sản phẩm này sẽ có cơ hội vươn xa hơn, trở thành những lựa chọn ưu tiên trong mắt người tiêu dùng cả trong nước và quốc tế.”.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Dự án Tạo cơ hội thị trường bình đẳng cho phụ nữ bằng cách đa dạng hóa nhà cung cấp thông qua mua sắm có trách nhiệm giới tại Việt Nam, WE RISE Together do UN Women và WISE thực hiện, với nguồn tài trợ từ Chính phủ Australia hỗ trợ thông qua Quan hệ Đối tác Mekong-Australia..