Cụ thể, Thụy Điển có các quy định về dán nhãn, vệ sinh và y tế rất nghiêm ngặt cũng như các yêu cầu phức tạp để giám sát chất lượng hàng hoá. Ví dụ: Một gói hàng thực phẩm bán lẻ phải ghi tên nhà sản xuất, nhà đóng gói và nhà nhập khẩu, tên thương mại của sản phẩm, trọng lượng hoặc khối lượng tịnh, các thành phần theo yêu cầu giảm dần về trọng lượng, ngày sử dụng sau cùng, hướng dẫn bảo quản nếu sản phẩm dễ hư hỏng, hoặc chỉ định giữ xa tầm tay trẻ em. Các thông tin trên được mô tả bằng tiếng Thụy Điển và nhà nhập khẩu có thể hỗ trợ các công ty trong việc sắp xếp hợp lý các thông tin trên nhãn mác.
Một số qui định về nhãn mác đối với một số sản phẩm cụ thể như sau:
- Nhãn của thực phẩm chứa đường phải nêu rõ tên loại đường, bao gồm đường Lactoza, đường hoá học, đường Mantoza, đường hoa quả, và đường mía;
- Thực phẩm chứa đường Sacarin và đường hoá học phải được ghi nhãn theo qui định riêng;
- Nhãn mác của thực phẩm đóng gói có thời hạn sử dụng phải nêu rõ ngày hết hạn;
- Nhãn mác của thực phẩm đông lạnh phải nêu rõ chỉ dẫn bảo quản và sử dụng;
- Nhãn mác của sản phẩm mật ong phải nêu tên nước xuất xứ;
- Nhãn mác của sản phẩm phomai phải nêu tên nước xuất xứ và hàm lượng chất béo;
- Các hoá chất độc hại cần phải tuân thủ qui định riêng biệt về ghi nhãn mác. Nhãn mác bên ngoài container đựng hoá chất độc hại phải nêu tên và tính năng của sản phẩm, tên và địa chỉ nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, và ghi rõ những chất độc hại này phải được giữ xa trẻ em;
- Thuốc được ghi nhãn theo phương thức riêng theo qui định của Bộ Y tế;
- Thiết bị bảo quản đông lạnh nội địa phải được ghi nhãn với đầy đủ các chi tiết tiêu thụ năng lượng.
Các danh mục sản phẩm được liệt kê dưới đây phải tuân thủ các yêu cầu ghi nhãn của EU nhằm đảm bảo người tiêu dùng có được tất cả các thông tin cần thiết để đưa ra lựa chọn sáng suốt khi mua hàng:
- Thuỷ sản;
- Thực phẩm;
- Giày dép;
- Các sản phẩm liên quan đến năng lượng;
- Các sản phẩm thịt;
- Các sản phẩm dệt;
- Săm lốp;
- Rượu vang.
Bảo Thu