Mặc dù kinh tế hồi phục tốt hơn dự đoán trong năm 2021, các tổ chức kinh tế vẫn tỏ ra thận trọng trong dự báo triển vọng kinh tế trong các năm tới. Ngân hàng ANZ dự báo năm 2022 nền kinh tế sẽ hướng tới sự tăng trưởng bền vững với quá trình chung sống bình thường mới với Covid-19 và dần mở cửa biên giới. Ngân hàng này cũng cho rằng, hiện nay nền kinh tế đã chịu nhiều áp lực và cần thiết có các biện pháp kích cầu rõ ràng hơn dựa trên kinh nghiệm suốt 18 tháng kể từ đầu đại dịch.
Ngân hàng Westpac dự báo GDP năm 2022 đạt 6,4%. Theo Westpac, qua quá trình chống chọi với dịch bệnh, nền kinh tế New Zealand đã thể hiện sự vững chắc ở mức chấp nhận được và Chính phủ đóng vai trò đặc biệt khi đưa ra các gói kích cầu thông qua các khoản thanh toán, giảm lãi suất (gần như bằng 0%) và trợ cấp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ năng suất lao động, kích thích tiêu dùng. Các chuyên gia tư vấn kinh tế của Westpac đã thay đổi dự báo tích cực đối với nền kinh tế New Zealand có thể tiếp tục tăng trưởng trong cả quý IV năm 2021 là 2,3% và dự báo GDP năm 2022 tăng 6,4% so với năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5%.
GDP quý 3 năm 2021 phản ánh sự sụt giảm trên diện rộng trong hoạt động kinh tế do các biện pháp chống COVID-19 và lệnh phong tỏa toàn quốc áp dụng trong nửa sau của quý 3. “Bốn ngành có hoạt động sụt giảm lớn nhất là bán lẻ, lưu trú và nhà hàng; sản xuất, chế tạo; xây dựng; nghệ thuật và giải trí vì chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp phong tỏa. Các hoạt động trực diện không thể diễn ra, các cơ sở làm việc bị đóng cửa và người lao động không thiết yếu vẫn phải ở nhà trong mức cảnh báo 3 và 4”, quản lý cấp cao về tài khoản quốc gia ngành công nghiệp và sản xuất Ruvani Ratnayake cho biết.
Sự sụt giảm trong sản xuất được phản ánh bởi sự sụt giảm tương ứng trong chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình và chi tiêu đầu tư, lần lượt giảm 7,5% và 5,3%. Bà Ratnayake cho biết: “Các hộ gia đình chi tiêu ít hơn cho các dịch vụ như ăn uống, lưu trú và đi lại trong nước, và ít hơn vào các mặt hàng lâu bền như quần áo, xe có động cơ, đồ nội thất và thiết bị nghe nhìn. Nhập khẩu hàng hóa tăng 7,2%, chủ yếu do các hạng mục như nhà máy, máy móc và thiết bị. Nhập khẩu hàng tiêu dùng và hàng trung gian cũng tăng.
“Những mặt hàng nhập khẩu này đã góp phần làm tăng lượng hàng tồn trong quý 3 năm 2021. Việc phong tỏa đất nước có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp phải duy trì hàng tồn kho thay vì bán cho người tiêu dùng”, bà Ratnayake nói. New Zealand bắt đầu quý 3 năm 2021 ở mức cảnh báo 1 và chuyển sang mức cảnh báo 4 vào ngày 17 tháng 8 năm 2021 lúc 11:59 tối. Toàn bộ đất nước bị áp dụng mức cảnh báo 4 trong 14 ngày và các mức cảnh báo khác trên toàn quốc trong 30 ngày.
Thu Trà