Sáng 8/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức Diễn đàn “Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam”. Sự kiện có sự tham gia của hơn 100 đại biểu cơ quan ban ngành, doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình được tổ chức với mục tiêu chia sẻ thông tin, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như các tổ chức Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam trong việc hoạch định, điều chỉnh, tăng tốc quá trình chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, cùng với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ từ Fintech.
Thị trường Fintech thực sự bùng nổ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, việc tương tác xã hội bị hạn chế dẫn đến lượng người dùng dịch vụ tài chính số tăng cao. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp.
Năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế internet đạt giá trị 21 tỷ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và vị trí 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.
“Xuất phát từ thực tiễn phát triển của hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam và thông lệ quản lý lĩnh vực Fintech trên thế giới, trước mắt việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là hết sức cấp bách và cần thiết, đặc biệt trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển Chính phủ và nền kinh tế số", ông Phòng nói.
Trong khuôn khổ diễn đàn, PGS,TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số - Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu hiện trạng, mục tiêu, định hướng phát triển hạ tầng số, các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ sự kiện, ông Chu Quang Thái, đại diện Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Chủ tịch Quỹ đầu tư Liên minh số đã chia sẻ bức tranh tương lai của Fintech, hạ tầng phát triển bền vững và giới thiệu một giải pháp cụ thể trong lĩnh vực Fintech.
Đại diện phía ngân hàng thương mại, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng Pvcombank nêu những thách thức chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam, các rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng số và một số biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Các ý kiến tập trung chia sẻ giải pháp để ngân hàng trở thành đối tác chiến lược giúp các Fintech thực hiện giấc mơ của mình và các Fintech tiếp tục là đòn bẩy, mảnh ghép mấu chốt trong hệ sinh thái ngân hàng số, góp phần nâng tầm giá trị cốt lõi của ngân hàng cũng như những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu và lưu ý quan trọng cho doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số.
Đáng chú ý, hiện nay, việc triển khai áp dụng ngân hàng số sẽ liên quan đến việc nhiều nhà cung cấp bên thứ ba tham gia vào quá trình cung ứng, hỗ trợ hoạt động.
Các ngân hàng, tổ chức tín dụng mong muốn bên thứ ba đạt được trình độ quản lý rủi ro tương đương với mục tiêu ngân hàng đề ra trong các hoạt động cơ bản như quản lý rủi ro an ninh mạng, khả năng phục hồi hoạt động,…
Bởi vậy, cần thúc đẩy hoạt động quy trình rà soát thẩm định thông tin về bên thứ ba trước khi ký hợp đồng; chuẩn hóa hợp đồng cung ứng dịch vụ, quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên và thường xuyên giám sát năng lực, đánh giá định kỳ.
Bên cạnh đó, việc đầu tiên và khó khăn nhất trong công tác phòng chống tội phạm tài chính là xác định danh tính khi khách hàng mở tài khoản trực tuyến. Các ngân hàng có thể xác định danh tính khách hàng thông qua việc lựa chọn nhà cung cấp giải pháp đủ năng lực để triển khai.
Cần cân bằng giữa việc tuân thủ các quy định và tăng trải nghiệm cho khách hàng để thực hiện tuân thủ theo các yêu cầu của pháp luật, giảm thiểu rủi ro rửa tiền/ gian lận. Đồng thời, liên kết dữ liệu để định danh khách hàng.
Hoài Anh