Thị trường trồi sụt, dòng tiền hướng vào nhóm trụ cột

17:26 24/03/2022

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá trồi sụt, VN-Index dao động trong biên độ hẹp từ 1.430 đến 1.530 điểm sau khi đạt đỉnh lịch sử. Điều này ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư mới. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh này khó có thể đoán được xu hướng thị trường trong ngắn hạn, nhưng nếu tuân thủ kỷ luật đầu tư và chọn đúng hướng đi của dòng tiền trên thị trường thì nhà đầu tư vẫn có thể đảm bảo lợi nhuận.

Cơ hội để nhà đầu tư thể hiện sự kỷ luật

Nhận định về diễn biến giằng co, trồi sụt và loạn nhịp của thị trường trong thời gian từ đầu năm đến nay, các chuyên gia ví von một cách hình ảnh là thị trường đang có những bước nhảy của con Kangaroo.

Theo ông Tô Xuân Nam, Chuyên gia quỹ cổ phiếu, Công ty Quản lý quỹ SSI (SSIAM), trong một thị trường như vậy thì bên mua và bên bán đều không thể hiện được sức mạnh của mình, giá cổ phiếu liên tục giằng co và thanh khoản cũng trở nên yếu hơn so với khi thị trường đang trong xu hướng tăng.

Cổ phiếu bất động sản công nghiệp là nhóm ngành được dự báo sẽ hút dòng tiền đầu tư
Cổ phiếu bất động sản công nghiệp là nhóm ngành được dự báo sẽ hút dòng tiền đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư chứng khoán SSI cho rằng, xu hướng thị trường không rõ ràng, dao động rất mạnh và phản ứng nhạy với thông tin, chỉ với một thông tin nhỏ cũng có thể khiến thị trường biến động mạnh, do đó việc có được lợi nhuận trong bối cảnh hiện nay sẽ không dễ dàng đối với những nhà đầu tư mới.

Dẫn chứng về điều này, ông Phạm Lưu Hưng cho biết, trong thời gian gần đây, việc các nhà đầu tư liên tục bán tháo cổ phiếu là do tâm lý đang lo lắng thái quá về những tin đồn như phong toả Thượng Hải, Trung Quốc hay đóng cửa cảng Thâm Quyến do số ca nhiễm tăng mạnh. Tuy nhiên, tình hình Trung Quốc không xấu như mọi người nghĩ.

Trong bối cảnh thị trường giằng co như hiện nay, theo ông Tô Xuân Nam, đây chính là lúc nhà đầu tư có cơ hội thể hiện sự kỷ luật bằng cách trung bình hoá chi phí vốn, tiếp tục giải ngân định kỳ để giảm thiểu rủi ro mang tính thời điểm. Tuy nhiên, ông Nam cũng khẳng định, trong thực tế, với đa phần nhà đầu tư, sự nhạy cảm thị trường để có thể lựa chọn thời điểm mua và bán tốt là khó. Nghiên cứu của các nhà kinh tế học cũng cho thấy, những biến động hàng ngày của thị trường trong ngắn hạn gần như là không thể dự đoán trước, tuy nhiên, trong dài hạn 5-10 năm, thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ đi lên.

Khẳng định việc cố gắng đoán thời điểm vào thị trường để lướt sóng trong thị trường loạn nhịp như hiện nay rất khó, ông Hưng khuyến nghị tới các nhà đầu tư ưa thích mua bán lướt sóng liên tục. Theo ông Hưng, nhà đầu tư chỉ nên bỏ một phần tiền nhỏ để nắm giữ trên thị trường cơ sở, đồng thời để tránh rủi ro T+3 thì có thể sử dụng thêm sản phẩm phái sinh. Theo đó, nếu nhà đầu tư dự đoán thị trường sẽ giảm xuống trong phiên nhưng không muốn bán cổ phiếu vì ngày mai cổ phiếu có thể tăng mạnh trở lại thì có thể giao dịch phái sinh. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể giao dịch một tỷ lệ nhỏ để lướt các cổ phiếu trong danh mục đang nắm giữ, nói cách khác là tự lướt cổ phiếu trong danh mục của mình. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh nếu dùng phương pháp này phải rất cẩn thận bởi nhà đầu tư có thể dễ rơi vào cảnh “cưa chân bàn”. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể dùng một tỷ lệ nhỏ tài sản để giao dịch chứng quyền nếu nhà đầu tư dự báo cổ phiếu sẽ hồi nhanh và bán được sớm.

Dòng tiền hướng vào nhóm cổ phiếu tiềm năng

Về xu hướng của dòng tiền, ông Tô Xuân Nam cho rằng, nhóm bất động sản (BĐS), sản xuất công nghiệp và tài chính sẽ có nhiều tiềm năng tốt. Khẳng định dòng tiền tất yếu cũng đi theo những nền tảng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, và những ngành trên là trụ cột của nền kinh tế, góp phần tạo ra sự tăng trưởng của GDP nên sẽ có cơ hội hưởng lợi lớn. Đối với nhóm BĐS công nghiệp, ông Nam cho rằng có tiềm năng rất lớn bởi "làn sóng" các tập đoàn sản xuất lớn chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc đến Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra trong vòng nhiều năm tới, do đó cổ phiếu BĐS công nghiệp có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Cụ thể, dòng vốn FDI vào Việt Nam trong vài năm vừa qua khá cao, ở mức 15-25 tỷ USD/năm, sang năm 2022 dự báo cũng không phải là ngoại lệ. Những rủi ro cho chuỗi sản xuất, cung ứng trong đầu tư tại Trung Quốc cũng là cơ hội giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của thế giới trong 5 -10 năm tới. Do đó, nhóm BĐS nói chung và BĐS khu công nghiệp nói riêng sẽ có cơ hội hưởng lợi lớn. Nếu cổ phiếu BĐS công nghiệp có giảm thì nhà đầu tư nên mua vào để lúc tăng giá có thể bán ra.

Cùng với đó, chuyên gia này cũng cho rằng, nhóm cảng biển cũng là nhóm được kỳ vọng có triển vọng tiếp tục đi lên khi trải qua giai đoạn căng thẳng về dịch bệnh, khủng hoảng về chuỗi cung ứng đã không còn, chuỗi cung ứng trên thế giới cũng đã được khôi phục trở lại, XNK của VN sẽ đi lên và cổ phiếu ngành cảng biển cũng sẽ đi lên. Thông tin về việc lượng hàng container của Việt Nam vào Mỹ xếp thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc, ông Nam cho biết, điều này cho thấy lượng hàng XK vào Mỹ lớn, do đó triển vọng của nhóm cổ phiếu này là tất yếu.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, trong thời gian qua, dòng tiền hướng mạnh vào nhóm cổ phiếu dầu khí, cảng biển, phân bón làm cho giá các cổ phiếu này đã ở mức khá cao, theo đánh giá có thể thời gian tới sẽ xảy ra tình huống giá sẽ hạ nhiệt. Riêng cổ phiếu ngành thép tiềm năng tăng trưởng về giá vẫn có thể kéo dài thêm một thời gian nữa do có những yếu tố liên quan hỗ trợ. Theo ông Ngọc, với nhà đầu tư đang nắm giữ các nhóm cổ phiếu này thì nên tiếp tục nắm giữ để tận dụng đà tăng vẫn còn, còn những người chưa tham gia cần đợi một đợt điều chỉnh và phân hóa để xem nhóm nào còn có thể duy trì đà thuận lợi trong dài hạn mới quyết định giải ngân dòng tiền.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, nhóm ngành tiềm năng là quan trọng, nhưng chọn cổ phiếu nào trong nhóm ngành lại phụ thuộc vào trình độ, năng lực và khả năng phán đoán của nhà đầu tư.

Theo TCHQ