Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế song thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, năm 2020 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Một khảo sát được Bộ Công Thương thực hiện với hơn 10.000 doanh nghiệp nội địa cũng cho thấy, trong 2 năm gần đây (2020, 2021), tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ vững 17%/năm. Trong đó, năm 2021 doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270 USD/người/năm.
Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp song doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội để mở rộng kinh doanh từ hành vi tiêu dùng (hơn 81% người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm khi đại dịch bùng phát và hơn 90% cho rằng sẽ tiếp tục mua sắm) cho tới sự tăng trưởng khách hàng.
Báo cáo của một số sàn thương mại điện tử lớn hiện nay cho thấy, lượng người bán tăng đột biến từ những đơn vị phi thành thị, tăng khoảng 40% năm 2021.
Bên cạnh người bán ngoài thành phố, một số sàn lớn cũng ghi nhận doanh nghiệp thực phẩm đồ uống, đồ ươi sống cũng tham gia sàn, điều không phổ biến trước đây. Sáu tháng đầu năm 2021, ở khu vực phi thành thị có khoảng 8.000 hộ nông dân tiếp cận, 15.000 mặt hàng nông sản được đưa lên sàn, tăng khoảng 91% so với cùng kỳ 2020.
Một cơ hội khác cho doanh nghiệp là mặt hàng tiêu dùng hiện nay đa dạng, ngoài mỹ phẩm thời trang, còn có sản phẩm tươi sống, đồ ăn nhanh.
Đặc biệt, với những phương thức thanh toán điện tử mới xuất hiện, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến thông qua phương thức thanh toán ví điện tử cũng ngày một gia tăng.
Với 61 triệu người dùng smartphone, các chuyên gia thuộc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) cho rằng thị trường thương mại điện tử của Việt Nam sẽ đạt mức 57 tỷ vào năm 2025.
PV