Chốt phiên giao dịch đêm qua 14/5, giá dầu tăng trở lại, khí tự nhiên vẫn cao nhất 4 tuần, cà phê bật khỏi mức thấp nhất 13 năm, trong khi vàng rời khỏi mức cao nhất 1 tháng, thép thấp nhất 5 tuần.
Dầu tăng trở lại
Giá dầu tăng hơn 1% sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu Saudi Arabia cho biết, phiến quân của Yemen đã tấn công một số cơ sở thuộc công ty dầu Aramco bằng thiết bị bay không người lái.
Chốt phiên giao dịch vừa qua, dầu thô Brent tăng 1,01 USD tương đương 1,4% lên 71,24 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 6/5/2019. Giá dầu thô Tây Texas WTI tăng 74 US cent tương đương 1,2% lên 61,78 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 8/5/2019.
Các cơ sở dầu của Aramco bị tấn công cùng với báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) dự kiến dự trữ dầu thô của nước này trong tuần trước giảm 800.000 thùng, tuần giảm thứ 2 liên tiếp đã đẩy giá dầu tăng cao.
Theo OPEC, nhu cầu dầu thế giới trong năm nay sẽ tăng cao hơn dự kiến, do tăng trưởng nguồn cung từ các đối thủ bao gồm các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ chậm lại, điều này cho thấy thị trường dầu sẽ thắt chặt hơn nếu nhóm các nước xuất khẩu kiềm chế tăng sản lượng.
Khí tự nhiên vẫn cao nhất 4 tuần
Khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 4 tuần, khi một nhà máy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới bắt đầu sản xuất nhiên liệu siêu lạnh và dự báo nhu cầu trong tuần tới sẽ tăng hơn so với dự kiến trước đó.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn New York tăng 3,8 US cent tương đương 1,4% lên 2,659 USD/mBTU, cao nhất kể từ ngày 12/4/2019, phiên tăng thứ 2 liên tiếp.
Vàng giảm khỏi đỉnh cao nhất 1 tháng
Vàng rời khỏi đỉnh cao nhất 1 tháng đạt được trong đầu phiên giao dịch, do thị trường chứng khoán và đồng USD tăng sau khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý tiếp tục đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại kéo dài.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) giảm 0,3% xuống 1.295,18 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt 1.303,26 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 11/4/2019. Vàng kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn New York giảm 0,4% xuống 1.296,3 USD/ounce.
Giám đốc điều hành George Gero thuộc RBC Wealth Management cho biết: "Thị trường có 1 chút điều chỉnh do chỉ số đồng USD tăng trở lại, thị trường chứng khoán hồi phục và các thương nhân đã quay lưng lại với vàng".
Chỉ số đồng USD tăng khoảng 0,2% sau khi giảm xuống mức thấp nhất gần 1 tháng trong phiên trước đó. Chứng khoán Mỹ tăng sau những bình luận lạc quan từ Washington và Bắc Kinh.
Thép thấp nhất 5 tuần
Giá thép tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất hơn 5 tuần, do lo ngại về nhu cầu trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, ngay cả khi 2 bên bày tỏ lạc quan trong việc giải quyết tranh chấp.
Giá thép cây kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 1,6% xuống 3.663 CNY (532,94 USD)/tấn, trong phiên có lúc chạm 3.655 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 8/4/2019. Đồng thời, giá thép cuộn cán nóng sử dụng trong sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng giảm 1,3% xuống 3.595 CNY/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên giảm 1,5% xuống 644,5 CNY/tấn, sau khi tăng 1,7% trong đầu phiên giao dịch, do lo ngại về nhu cầu thép tại Trung Quốc chậm lại gây áp lực đối với nguyên liệu sản xuất thép, bởi vậy giá quặng sắt bị xói mòn mức tăng trong đầu phiên giao dịch.
Đồng tăng
Giá đồng tăng do các nhà đầu tư đẩy mạnh mua trong bối cảnh cung cầu vững. Giá đồng kỳ hạn trên sàn London tăng 0,3% lên 6.027 USD/tấn sau khi chạm mức thấp nhất 15 tuần trong phiên trước đó.
Nhà phân tích Deutsche Bank thuộc Nick Snowdon cho biết: "Có 1 sự không chắc chắn từ góc độ vĩ mô song cung cầu vững chắc sẽ là cơ hội mua vào".
Cao su giảm trở lại
Giá cao su tại Tokyo giảm theo xu hướng yếu tại Thượng Hải do lo ngại nhu cầu yếu trong bối cảnh chiến tranh thuế quan Mỹ - Trung leo thang.
Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn TOCOM giảm 1,4 JPY tương đương 0,7% xuống 185,9 JPY (1,7 USD)/kg. Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Thượng Hải giảm 270 CNY xuống 11.540 CNY (1.676 USD)/tấn.
Giá cao su TSR20 kỳ hạn tháng 11/2019 trên sàn TOCOM giảm 1,4% xuống 160 JPY/kg.
Nhà phân tích Jiong Gu thuộc Yutaka Shoji Co. cho biết: "Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng có thể khiến nền kinh tế toàn cầu suy yếu và nhu cầu cao su tại thị trường Tokyo và Thượng Hải giảm. Giá cao su trên sàn TOCOM có thể xuống dưới 180 JPY/kg, song có thể tăng trong ngắn hạn đối với hợp đồng tháng 5 và tháng 6, do thời tiết khô hơn bình thường tại khu vực Đông Nam Á đã hạn chế sản lượng, dấy lên lo ngại nguồn cung thắt chặt, đẩy giá tăng cao".
Cà phê bật khỏi mức thấp nhất 13 năm
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn ICE tăng 1,35 US cent tương đương 1,5% lên 90,95 US cent/lb, tăng từ mức thấp nhất 13 năm (87,6 US cent/lb) trong đầu tháng này. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE tăng 46 USD tương đương 3,4% lên 1.392 USD/tấn, hồi phục khỏi mức thấp nhất 9 năm (1.267 USD/tấn) trong đầu tháng này.
Capital Economics dự báo giá cà phê robusta có thể tăng lên 1.600 USD/tấn trong năm nay.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn ICE tăng 0,1 US cent tương đương 0,3% lên 11,94 US cent/lb. Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8/2019 trên sàn ICE tăng 2,2 USD tương đương 0,6% lên 328,6 USD/tấn.
Ngô, đậu tương và lúa mì đều tăng
Giá ngô tăng hơn 3% và giá đậu tương tăng trở lại từ mức thấp nhất 1 thập kỷ, do tiến độ trồng trọt khu vực vành đai trung tây Mỹ chậm lại, đã khiến các thương nhân đẩy mạnh mua vào. Ngoài ra, những bình luận lạc quan từ Washington và Bắc Kinh làm giảm bớt lo ngại về cuộc chiến thương mại leo thang hơn nữa, đã hỗ trợ thị trường.
Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 12 US cent lên 3,68-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn trên sàn Chicago tăng 26-1/2 US cent lên 8,29 USD/bushel, sau khi giảm xuống 7,91 USD/bushel trong phiên trước đó, thấp nhất kể từ tháng 12/2008. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Chicago tăng 8-1/2 US cent lên 4,45-1/2 USD/bushel.
Dầu cọ tăng trở lại hơn 1%
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng phiên thứ 2 liên tiếp, được hỗ trợ bởi giá dầu thực vật có liên quan tăng và đồng ringgit suy yếu.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 7/2019 trên sàn Bursa Malaysia tăng 0,3% lên 1.991 ringgit (477,57 USD)/tấn, trước đó trong phiên tăng 1,1% lên 2.006 ringgit/tấn.
Giá dầu thực vật hồi phục và đồng nội tệ mất giá đẩy giá dầu cọ tăng cao, thương nhân có trụ sở tại Kuala Lumpur cho biết. Giá đậu tương tăng bất chấp Trung Quốc tuyên bố áp đặt thuế quan tăng cao đối với 1 loạt hàng hóa của Mỹ, sau quyết định của Washington nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc có trị giá 200 tỉ USD.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 15/05
Minh Quân