Vừa qua, Metric – nền tảng số liệu thương mại điện tử đã công bố báo cáo tổng quan về thị trường TMĐT 2022. Theo nhận định của Metric, tại thị trường Việt Nam, TMĐT có xu hướng phát triển mạnh sau đại dịch COVID-19 do sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng.
Người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các thiết bị di động sau các đợt giãn cách xã hội. Điều này được thể hiện rõ ràng thông quá số liệu được thống kê bởi Bộ Công Thương năm 2022, có tới 55.7 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến trên tổng số 74.5 triệu người sử dụng Internet (chiếm 74.8%).
Thị trường TMĐT Việt Nam tăng trưởng bùng nổ trong giai đoạn 2020 – 2021, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á và được các chuyên gia dự báo sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025. Tính tới nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, trong số đó 55% đến từ các khu vực phi thành thị.
Giá trị chi tiêu bình quân mỗi người trong năm 2020 ở Việt Nam dành cho mua sắm trực tuyến đạt khoảng 240 USD tương đương hơn 5,5 triệu đồng/năm,tăng gần 42% so với năm 2016, và dự kiến tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới (Bộ Công Thương – Cục TMĐT và Kinh tế số 2022).
Theo báo cáo của nền tảng số liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric, từ đầu năm đến hết tháng 11, doanh thu của 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo đạt 135.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu trong 3 tháng 9-11 so với cùng kỳ năm ngoái đạt 18,4%.
Trong giai đoạn này, Metric ghi nhận 566.000 gian hàng hoạt động trên các sàn có phát sinh đơn hàng. Tổng số sản phẩm đã giao thành công lên tới 1,3 tỷ đơn vị.
Dù có doanh thu khổng lồ, thị phần của các sàn TMĐT lại có sự chênh lệch tương đối lớn. Cụ thể, Shopee chiếm tới 73% tổng doanh thu 4 sàn trong năm 2022 với khoảng 91.000 tỷ đồng trong khi ông lớn Lazada xếp thứ hai với khoảng 26.500 tỷ đồng, tương đương 21% thị phần doanh thu.
Đáng chú ý, 2 sàn TMĐT của Việt Nam là Tiki và Sendo chỉ chiếm lần lượt 5% và 1% thị phần, tương ứng doanh thu 5.700 tỷ đồng và gần 1.000 tỷ đồng.
Trong năm 2021, thống kê từ Metric chỉ ra doanh thu của các sàn TMĐT tập trung chủ yếu vào các tháng cuối năm, cùng thời điểm với mùa mua sắm lễ hội. Tuy nhiên, năm 2022 không có nhiều khác biệt đối với doanh thu của các sàn TMĐT qua từng tháng.
Trong số những cái tên nổi bật trên thị trường TMĐT Việt Nam năm 2022, không thể không nhắc tới TikTok Shop. Metric cũng cho rằng, năm 2022 là năm trỗi dậy của TikTok Shop, một tính năng mua sắm trực tuyến được tích hợp trong ứng dụng mạng xã hội TikTok.
Theo thống kê của Metric, chỉ tính riêng trong tháng 11, doanh số trên TikTok Shop đã đạt mức 1.698 tỷ đồng, với 13 triệu sản phẩm được bán ra và 32.000 nhà bán đã phát sinh đơn hàng.
Mức doanh thu trong một tháng của TikTok Shop hiện đã tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki. Trung bình mỗi ngày TikTok Shop đạt mức doanh thu 56.6 tỷ đồng và 434.000 sản phẩm được bán ra, giá trị trung bình mỗi sản phẩm là 130.000 đồng. Đây là các con số ấn tượng mà những sàn TMĐT khác phải mất nhiều năm mới xây dựng được.
Không chỉ có Metric, mà theo bảng xếp hạng mới nhất của hệ thống lắng nghe & giám sát danh tiếng Reputa, TikTok Shop cũng đã vượt qua Sendo và Tiki để trở thành sàn TMĐT phổ biến thứ ba trên mạng xã hội trong tháng 11, chỉ đứng sau Lazada và Shopee.
T.H