Thanh Hoá: Kết nối, mở hướng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

22:05 05/12/2023

Thanh Hóa đã và đang nỗ lực không ngừng để thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) toàn dân, toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Buổi làm việc với Liên minh chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ với các doanh nghiệp TP Thanh Hoá
Buổi làm việc của Liên minh chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ với các doanh nghiệp TP Thanh Hoá.

Không đứng ngoài cuộc, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh đã nhanh chóng bắt nhịp, nỗ lực thực hiện CĐS, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nằm trong nhiều hoạt động CĐS đang diễn ra sôi nổi tại tỉnh Thanh Hoá, sáng 5/12, Liên minh chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DTS) đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn TP Thanh Hoá nhằm kết nối, mở hướng cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

DTS là một tổ chức tập hợp những chuyên gia và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử, dịch vụ số và công nghệ số, với mục tiêu tiêu hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, học hỏi, thay đổi các hoạt động của doanh nghiệp theo xu hướng 4.0.

DTS hiện đang là đối tác chiến lược của nhiều Hiệp hội ngành, nghề và Hội doanh nghiệp, cũng như các tổ chức giáo dục, đào tạo, công nghệ và truyền thông uy tín như: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Hiệp Hội Internet Việt Nam (VIA), Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Kinh tế và Giới thiệu Việc làm Quận 5 (CEDALS), FPT Telecom, Đại học Funix, MediaOne, IM Group,…

Tại chương trình làm việc, phía DTS đã thông tin, chia sẻ tới các doanh  nghiệp “bức tranh” tổng thể trong hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo DTS, hiện nay cùng với Chính phủ số, xã hội số thì kinh tế số có vai trò đặc biệt quan trọng, là xu hướng hội nhập, phát triển tất yếu nhưng vẫn chưa được các doanh nghiệp chú trọng đúng mức.

Phương châm hoạt động của DTS sẽ đi đến mục tiêu cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kinh doanh hiệu quả; trong đó sẽ kết nối để các doanh nghiệp có nhu cầu nghiên cứu, chuyển đổi số và các đơn vị cung cấp giải pháp hợp tác, tìm kiếm và xây dựng lộ trình chuyển đổi số tiết kiệm và hiệu quả.

Theo Chủ tịch DTS Trương Gia Bảo, các doanh nghiệp cả nước nói chung và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá nói riêng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, trước khi tiến hành áp dụng chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần được rà soát, đánh giá mức độ áp dụng chuyển đổi số hiện tại, từ đó xây dựng phương án, kế hoạch đầu tư từ tài chính, nguồn nhân lực phù hợp thì mới có thể lựa chọn được giải pháp tối ưu.

Đại diện các doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ về CĐS
Đại diện các doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ về CĐS.

Cộng đồng doanh nghiệp tại Thanh Hoá nên thành lập tổ tư vấn chuyển đổi số và một tập hợp những doanh nghiệp đi đầu của tỉnh trong lĩnh vực này để xây dựng vị thế; đồng thời dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận một cách tin cậy, thuận lợi và tiết kiệm chi phí.

Tại Thanh Hóa, các doanh nghiệp đã và đang từng bước CĐS như: số hóa quy trình quản trị, vận hành doanh nghiệp, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng; CĐS bán hàng và marketing thương mại điện tử; ứng dụng thanh toán điện tử; hóa đơn điện tử, chữ ký số; đầu tư máy móc, dây chuyền tự động hóa vào sản xuất... Các chuyên gia kinh tế tính toán, CĐS giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tối ưu vận hành, từ đó cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 50 - 70%, thậm chí tiết kiệm lên tới 90% thời gian ở một số quy trình so với trước.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hoá, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhận định: Chuyển đổi số chắc chắn là xu hướng tất yếu đối với sự sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số với các doanh nghiệp tại Thanh Hoá nói chung còn hạn chế do chưa có đầu tư xứng đáng về nguồn lực tài chính, con người. Cùng với đó, việc lựa chọn giải pháp nào, đơn vị cung ứng nào cũng rất quan trọng do liên quan tới sự phù hợp, hiệu quả cũng như công tác bảo trì các dịch vụ.

Từ sự gợi ý của DTS, tới đây Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hoá sẽ đề xuất các cấp, ngành có thẩm quyền của thành phố, của tỉnh tập hợp và tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ, nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp. Cùng với đó, hiệp hội sẽ kiến nghị các các cơ chế, chính sách và mở hướng kết nối tới các tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số uy tín cho cộng đồng doanh nghiệp tham khảo và ứng dung.

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá tập huấn công tác CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hoá tập huấn công tác CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi bắt tay vào số hóa không cần thiết phải triển khai đồng loạt trên cả hệ thống, hay thực hiện CĐS ngay lập tức tất cả mô hình hoạt động, mà nên chọn một vài khâu mạnh nhất, cần thiết nhất của mình để CĐS nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm bớt chi phí, đồng thời từng bước thích ứng để lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp nhất.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa có 50% trở lên số doanh nghiệp trong tổng số doanh nghiệp có phát sinh thuế thực hiện CĐS. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp CĐS. Trong đó, trọng tâm là thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông đầu tư vào tỉnh để dẫn dắt CĐS; bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp CĐS... góp phần để doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy CĐS mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Minh Hiền