Thanh Hóa: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn

21:45 06/04/2021

Thanh Hóa hiện có hơn 20.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh, trong đó có khoảng 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Song việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển của đối tượng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Ngân hàng hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn.

Sản xuất khẩu trang tại Công ty CP May Xuất khẩu Trường Thắng (huyện Nông Cống, Thanh Hóa)

Sản xuất khẩu trang tại Công ty CP May Xuất khẩu Trường Thắng (huyện Nông Cống, Thanh Hóa).

Với quan điểm luôn đồng hành với sự phát triển của DN, tỉnh Thanh Hóa luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Sự đồng hành được thể hiện bằng việc ban hành các nghị quyết, chính sách về cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, việc hỗ trợ, cởi mở nguồn vốn tín dụng đã được Chính phủ và hệ thống ngân hàng quan tâm.

Để đồng hành cùng các DN trong tỉnh, những năm vừa qua, ngành ngân hàng Thanh Hóa đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN. Trong đó, tập trung triển khai 6 nhóm giải pháp nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ người dân và DN về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của DN; đồng thời, triển khai kịp thời các chính sách tín dụng đối với ngành, lĩnh vực để phù hợp hơn với nhu cầu vốn của DN...

Để hỗ trợ riêng cho đối tượng DNNVV, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành kế hoạch hỗ trợ DNNVV. Qua gần 3 năm triển khai kế hoạch hỗ trợ DNNVV đã đạt được một số kết quả bước đầu. Với chính sách hỗ trợ tín dụng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn hiệu quả nguồn vốn, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các chương trình tín dụng ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV triển khai có hiệu quả chương trình kết nối DN - ngân hàng. Đến nay, toàn tỉnh có 31 DN được vay vốn ưu đãi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, với tổng số tiền trên 12,8 tỷ đồng; hơn 100 DN được vay vốn thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, với số tiền bảo lãnh hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển của DN, số vốn từ các chương trình hỗ trợ cho vay, nguồn vốn được cho vay thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn hạn chế. Trong khi đó, dư nợ cho vay thương mại của đối tượng DNNVV hiện đang chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu vốn vay. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa, tính đến hết quý 1-2021, toàn tỉnh có 5.000 DN thuộc đối tượng nhỏ và vừa được vay vốn, với tổng dư nợ 15.515 tỷ đồng, chiếm 13,53% tổng dư nợ cho vay.

Thực hiện chương trình hỗ trợ DN, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa đã chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trong toàn hệ thống nghiêm túc triển khai giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, chủ động nắm bắt tình hình của từng khách hàng để đề xuất phương án, giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh để kịp thời xử lý theo hướng dẫn của hội sở. Triển khai các khoản vay mới với lãi suất giảm từ 1 - 1,5% so với thời điểm trước dịch. Chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ phù hợp với điều kiện tài chính của tổ chức tín dụng. Nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu,... để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả “hấp thụ” nguồn vốn, các bộ, ngành cần triển khai đồng bộ các quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV cùng các văn bản hướng dẫn dưới luật, nhất là chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tổ chức tín dụng thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 của Chính phủ và nghị định về tổ chức, hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV.

Bên cạnh đó, bản thân các DNNVV cũng cần năng động, đổi mới trong tư duy sản xuất, tích cực nghiên cứu các dự án, phương án kinh doanh khả thi. Thực hiện đầy đủ, chuyên nghiệp các quy định của Nhà nước về sổ sách, kế toán làm cơ sở thẩm định cho ngân hàng, giúp các DNNVV có thể tiếp cận gần hơn với nguồn vốn đầu tư sản xuất.

Minh Hiền