Theo đó, Hoa Sen dự kiến phát hành 17,94 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 179,41 tỷ đồng.
Với hơn 598 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tỷ lệ thực hiện chi trả cổ tức là 100:3, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 3 cổ phiếu mới. Ngày đăng ký cuối cùng vào 27/6.
Lãnh đạo Hoa Sen cho biết, nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối luỹ kế đến ngày 30/9/2022 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán.
Trong cơ cấu cổ đông của Hoa Sen tính tới ngày 16/6 có hai cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ sở hữu hơn 101,7 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 17,02% và nhóm quỹ ngoại Dragon Capital sở hữu hơn 38 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,38%.
Như vậy, sau đợt chi trả cổ tức này, hai cổ đông lớn trên sẽ nhận được lần lượt là 3 triệu cổ phiếu và 1,1 triệu cổ phiếu cổ tức.
Cũng sau đợt phát hành này, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành của Hoa Sen sẽ được nâng lên gần 616 triệu cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh trong năm tài chính 2021-2022 (năm tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau), công ty đạt 49.710 tỷ đồng doanh thu, tăng 2% so với năm trước đó.
Tuy vậy, giá bán giảm, chi phí các loại tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế còn 251 tỷ đồng, chưa bằng 6% so với số lãi 4.313 tỷ đồng đạt được năm 2021.
Tính đến ngày 30/9/2022, Hoa Sen còn 4.542 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra, công ty còn 187 tỷ đồng quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và 157 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Trong năm tài chính 2022-2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản. Với kịch bản 1, công ty đặt kế hoạch sản lượng thành phẩm đạt 1,5 triệu tấn, doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Lợi nhuận dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước.
Kịch bản 2 tích cực hơn khi sản lượng thành phẩm ước đạt mức 1,6 triệu tấn, doanh thu 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu niên độ 2022-2023 (từ ngày 1/10/2022-31/3/2023), Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.898 tỷ đồng, giảm 49,7% so với cùng kỳ. Qua đó, doanh nghiệp cũng báo lỗ sau thuế 429,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận lãi 873 tỷ đồng.
Tính tới 31/3, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 0,1% so với đầu năm, về 17.005 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là tồn kho chiếm 41,2% tổng tài sản, lên đến 7.007 tỷ đồng.
Tài sản cố định ghi nhận 5.474 tỷ đồng, chiếm 32,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 2.172 tỷ đồng, chiếm 12,8% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Với khoản lỗ 429,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp hiện vẫn cách khá xa với hai kịch bản lợi nhuận năm đã đề ra.
Trước đó, do kinh doanh thua lỗ, chậm công bố thông tin theo quy định khiến cổ phiếu của doanh nghiệp bị đưa vào diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệtt, là do để hàng loạt cổ phiếu bị cắt dịch vụ cho vay ký quỹ (margin).
Theo đó, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố danh sách bổ sung 2 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin). Đó là cổ phiếu HSG của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen bị cắt margin vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng (năm tài chính 2022 - 2023) là số âm. Cụ thể, HSG báo cáo doanh thu đạt gần 14.900 tỉ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ và lỗ ròng 424 tỉ đồng.
Nguyên nhân chính là sự xuống dốc của ngành thép kể từ nửa sau năm 2022, với sản lượng tiêu thụ và giá thép giảm mạnh. Dù trong giai đoạn khó khăn, Tập đoàn Hoa Sen đã tiết giảm các chi phí bán hàng, chi phí vay và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Phan Chính (Tổng hợp)