Tại sao nói nền kinh tế Mỹ đang “quá nóng”?

11:10 03/05/2021

Nền kinh tế nước Mỹ đang trên đà phục hồi nhưng vẫn cần rất nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa để có thể khôi phục trạng thái trước đại dịch. Tuy nhiên các nhà đầu tư và giới kinh tế hàng đầu đang lo ngại về tốc độ khôi phục quá nhanh của kinh tế đất nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Chỉ hơn một năm trước, nền kinh tế Hoa Kỳ đã phải đối mặt với một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử khi các doanh nghiệp phải đóng cửa và nền kinh tế quốc gia xáo động vì đại dịch. Hoạt động kinh tế của nước này đã tạm dừng vào mùa xuân năm ngoái và sau đó tăng trưởng trở lại trong mùa hè năm nay. Hiện, tiến trình phục hồi đang có những tín hiệu tích cực nhưng chắc chắn không thể trở lại như vốn có. Ví dụ, quy mô của nền kinh tế là gần 19,1 nghìn tỷ đô la vào cuối tháng 3, thấp hơn khoảng 166 tỷ đô la so với cuối năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra. Ngoài ra, số lượng việc làm tại đây cũng giảm hơn 8 triệu việc làm so với tháng 2 năm 2020. Tăng trưởng kinh tế là tín hiệu tốt, tại sao chuyên gia lo lắng?

Thảm họa giá cả

Đại dịch đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên một mức tăng mới. Kể từ thời điểm tạm đóng cửa đất nước, các biện pháp phòng chống dịch và lệnh hạn chế khiến người dân ngừng chi tiêu cho các chi phí như du lịch và ăn uống bên ngoài. Giá cả ở những lĩnh vực trên giảm mạnh trong khi các mặt hàng khác tăng giá chóng mặt.

Các cửa hàng tạp hóa bán hết các mặt hàng chủ lực và chỉ số giá tiêu dùng của chính phủ không ngừng tăng lên. Vài tháng sau, giá ô tô đã qua sử dụng tăng cao do người dân có nhu cầu di chuyển hậu Covid nhưng hạn chế sử dụng đường hàng không.

Tuy rằng các chuyên gia đầu ngành nỗ lực điều chỉnh biên dao động về giá cả trong bối cảnh tiêm chủng mở rộng nhưng các chương trình trợ cấp thất nghiệp, kích thích tiêu dùng và kinh tế đã tạo điều kiện cho người dân tiêu tiền nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với giá vẫn tiếp tục tăng.

Các nhà sản xuất đang phải vật lộn với giá nguyên liệu thô và chi phí vận chuyển cao. Giá dầu ở mức hơn 60 đô la / thùng có xu hướng lạm phát (Tháng 4 năm ngoái, giá dầu giảm xuống dưới mức 0). Nhìn chung, trong năm kết thúc vào tháng 3, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng của Bộ Thương mại đã tăng 2,3%, tốc độ nhanh nhất kể từ giữa năm 2018. Nếu không tính lương thực và năng lượng, giá đã tăng 1,8% so với cùng kỳ.

Lạm phát

Trước khi đại dịch bùng nổ, lạm phát của Hoa Kỳ đã được giữ vững ở mức thấp trong gần một thập kỷ. Thế nhưng Covid-19 đã phá vỡ tất cả nỗ lực trên. Các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế lo ngại rằng giá sẽ tăng quá nhanh dẫn tới ngăn cản sự phục hồi. Giá tăng cao có thể kìm hãm chi tiêu tiêu dùng đang là động lực lớn nhất của nền kinh tế Mỹ.

Giữ ổn định giá cả là một trong những nhiệm vụ chính của Cục Dự trữ Liên bang. Một số chuyên gia lo ngại Fed sẽ thay đổi các chính sách nhằm đối phó với tình hình hiện nay. Ví dụ, thị trường chứng khoán được hưởng lợi rất nhiều từ môi trường lãi suất thấp đồng nghĩa với các công ty có thể vay tiền với giá rẻ. James Knightley, chuyên gia kinh tế quốc tế tại ING, cho biết: “ Do thu nhập cao hơn, chi tiêu nhiều hơn và lạm phát nhiều hơn trong khu vực hộ gia đình Mỹ, Fed có thể thay đổi lập trường chính sách tiền tệ sớm hơn”.

Lãi suất của ngân hàng trung ương vẫn gần bằng 0 kể từ tháng 3 năm 2020 và ngân hàng này mua hàng tỷ chứng khoán mỗi tháng để giữ cho thị trường ổn định. Bất kỳ thay đổi nào cũng đều có thể gây ra làn sóng phá vỡ sự ổn định trên các thị trường tài chính. Nhưng cho đến nay, Chủ tịch Fed, Jerome Powell đã phủ nhận những lo ngại về lạm phát ngoài tầm kiểm soát. Ông hy vọng giá sẽ tăng trong mùa hè khi nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn và kế đó là binh thường hóa. Bên cạnh đó, Fed đặt mục tiêu lạm phát trên 2% trong trung hạn.

TL