Tại sao các "gã khổng lồ" Trung Quốc vẫn ồ ạt chạy theo metaverse bất chấp cảnh báo

09:41 19/11/2021

Các "gã khổng lồ" công nghệ tại Trung Quốc một mặt đối mặt với áp lực dư luận về khái niệm metaverse, mặt khác tiếp tục dấn thân vào cuộc đua mới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Theo các nhà phân tích, hàng loạt "gã khổng lồ" tại Trung Quốc đang đối mặt với áp lực tranh cãi về cơn sốt metaverse trên toàn cầu. Tuy nhiên, thứ tư vừa qua, nền tảng phát trực tuyến và trò chơi online Bilibli tuyên bố công ty đã sẵn sàng phát triển metaverse thông qua gia nhập liên minh Tencnet Holdings và NetEase, vốn được biết đến là hai "ông lớn" nhất nhì trong lĩnh vực kinh doanh game. Bên cạnh đó, Bilibili chia sẻ tầm nhìn công nghệ 3D nơi mọi người có thể tương tác thực tế ảo nhằm nâng cao sự nhiệt huyết đối với xu hướng mới của thời đại. Cũng trong tháng này, ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom tiến hành hợp tác với một số công ty công nghệ thành lập Metaverse Industry Committee, đơn vị chuyên về Metaverse của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong suốt cuộc chạy đua, truyền thông nhà nước đã không ít lần cảnh báo các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi theo đuổi công nghệ này.

Vào thứ năm, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo một lần nữa lên tiếng cảnh tỉnh thị trường metaverse và cho rằng tất cả người tham gia cần tỉnh táo và hiểu về bối cảnh metaverse trước mắt. Tuần trước, tờ Economic Daily cũng chỉ ra rằng người kinh doanh trong ngành bán lẻ không nên đặt cược số tiền khủng vào một khái niệm vẫn còn mong manh như metaverse. Thế nhưng, liên tiếp các báo động đỏ cũng không thể ngăn cản sự hăng say của các công ty công nghệ trong nước theo đuổi tham vọng mới bởi tất cả họ đều không chấp nhận bị tụt hậu.

Serkan Toto, giám đốc điều hành của công ty Kantan Games có trụ sở tại Tokyo cho hay mất đến vài năm để các công ty xây dựng trải nghiệm metaverse, hơn nữa ngành công nghiệp này dự báo trị giá 800 tỷ đô la vào năm 2024, do đó, không một công ty nào muốn vuột mất cơ hội này. Đồng thời Toto cũng lưu ý giới chức Trung Quốc có lẽ "không muốn bị bỏ lại phía sau cuộc chiến metaverse. Thuật ngữ này xuất hiện ở khắp mọi nơi, vừa là động lực nhưng cũng là áp lực cho các công ty và buộc họ phải bắt đầu suy nghĩ về nó".

Cũng trong thời gian này, công chúng trên khắp thế giới quan tâm nhiều hơn đến metaverse sau khi các nhà phát triển game lớn như Epic Games hay Roblox đưa khái niệm vào nhiệm vụ cốt lõi của công ty. Tháng trước, mức độ hấp dẫn của metaverse cao hơn gấp 8 lần khi Facebook đổi tên công ty thành Meta thể hiện tầm nhìn mới. Nhiều "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc đã định vị bản thân hướng đến cuộc chơi metaverse. Những tuyên bố của Facebook và Microsoft càng thêm khuyến khích người chơi nội địa Trung khám phá thế giới thực tế ảo.

Tencent đã đầu tư vào Roblox, ByteDame mua lại công ty VR Rico và NetEase rót vốn cho mạnh lưới metaverse của IMVU cũng như một số các công ty trò chơi khác. Những động thái trên gợi ý hướng đi cho những người còn lại khác trong ngành tiếp cận với xu hướng. Daniel Ahmad, nhà phân tích tại công ty video gaming Niko Partners cho hay nhiều "gã khổng lồ" của đất nước tỉ dân đã và đang chuẩn bị cho viễn cảnh metaverse được một thời gian. Chẳng hạn như Tencent định vị vai trò dẫn đầu ngành công nghiệp metaverse nội địa. Theo Ahmad: "Công ty này nắm giữ chìa khóa đầu tư vào Epic Games and Roblox là những người chơi đã và đang sản xuất sản phẩm metaverse. Tencent cũng đẩy nhanh tiến độ thuê các studio phát triển game tập trung vào công nghệ mới với quy mô toàn cầu". Tuy nhiên, đa số các công ty Trung Quốc hiện nay vẫn nằm trong khuôn khổ kiểm soát của nhà nước và trong tương lai, các quy tắc mới được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng định hình nội dung metaverse.

TL