Ngày nay, lĩnh vực không gian thương mại chứng kiến nhiều đổi mới hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử lĩnh vực dịch vụ vũ trụ. Relativity Space đang chế tạo tên lửa 3D đầu tiên trên thế giới và có kế hoạch chế tạo tên lửa trên sao Hỏa bằng robot. Virgin Orbit đưa các vệ tinh vào quỹ đạo bằng cách phóng một tên lửa từ bên dưới cánh của một máy bay phản lực. Mặt khác, Virgin Galactic đưa con người lên rìa không gian. RocketLab đã phát triển động cơ tên lửa đầu tiên được trang bị một máy bơm điện và đang cố gắng đưa lên không trung bằng một mạng lưới kết nối với máy bay trực thăng.
Nói về Space X, đây là công ty vũ trụ duy nhất đã gửi một tên lửa lên quỹ đạo và hạ cánh an toàn trở lại. Chỉ có SpaceX đã hạ cánh một tên lửa có kích thước bằng tòa nhà 15 tầng trên một con tàu bay không người lái ở giữa đại dương. Chỉ có SpaceX đã đưa cả phi hành gia Nasa và công dân lên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Chỉ có SpaceX sản xuất hàng nghìn vệ tinh truyền thông mỗi năm. Chỉ SpaceX có tần suất phóng gần như hàng tuần nhằm tăng gấp đôi số lượng vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo trong vòng chưa đầy hai năm. Cũng chỉ có SpaceX đang phóng nguyên mẫu của tên lửa lớn nhất và mạnh nhất từng được chế tạo, một con tàu khổng lồ có tên Starship chở con người lên mặt trăng.
Và sau đó là Blue Origin. Nếu có công ty tên lửa nào được kỳ vọng sẽ đạt được trình độ thành tựu công nghệ tương đương với SpaceX thì đó chính là công ty của Jeff Bezos thành lập vào năm 2000. Vào năm 2015, Blue Origin trở thành công ty đầu tiên đưa tên lửa lên tuyến Kármán, ranh giới không gian được quốc tế công nhận và hạ cánh một lần nữa, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử khám phá không gian tư nhân.
Bezos thành lập Blue Origin với những mục tiêu có tầm nhìn xa. Lấy cảm hứng từ nhà tương lai học quá cố của Princeton Gerard K O'Neill, Bezos mơ ước chuyển ngành công nghiệp nặng ra khỏi Trái đất, đưa vào không gian để giảm phát thải khí nhà kính. Vị tỷ phú muốn đặt nền móng cho một nền kinh tế ngoài Trái đất, nơi hàng nghìn người sống và làm việc trong vũ trụ. Công ty của ông đang chế tạo một tên lửa mạnh ngang với tên lửa từng đưa các phi hành gia Apollo lên mặt trăng và hợp tác với các nhà thầu quốc phòng hàng đầu bao gồm Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper để phát triển một tàu đổ bộ có thể đưa con người trở lại bề mặt mặt trăng.
Không nghi ngờ gì khi Bezos có vô số tham vọng. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao người giàu thứ hai thế giới không thể thực hiện mục tiêu đặt ra ? Đầu năm nay, Nasa đã trao hợp đồng tàu đổ bộ mặt trăng cho SpaceX, để lại Blue Origin trong tình trạng chao đảo. Hiện, Blue Origin đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ xem xét lại hợp đồng đồng thời chứng kiến sự ra đi hàng loạt của các tài năng kỹ thuật, điều này sẽ khiến chuyến bay đầu tiên chậm 5 năm so với kế hoạch. Bezos thậm chí còn không có được vinh quang khi trở thành tỷ phú đầu tiên lái tên lửa do chính công ty của mình sản xuất vào vũ trụ. Chỉ hai tuần trước khi nhà sáng lập Amazon bay lên rìa không gian vào mùa hè năm nay, Richard Branson đã hoàn thành chuyến bay dưới quỹ đạo trong phi cơ riêng với Virgin Galactic.
Blue Origin sở hữu đội ngũ kỹ sư tên lửa hàng đầu thế giới cùng dòng vốn dồi dào. Jeff Bezos chi 1 tỷ đô la tiền túi mỗi năm để tài trợ cho công ty. Bằng mọi giá, Blue Origin đáng lẽ phải là công ty vũ trụ thành công nhất toàn cầu. "Blue Origin có tất cả các yếu tố để thành công và trở thành một thứ gì đó thực sự tuyệt vời", Ally Abrams, cựu giám đốc truyền thông của nhân viên Blue Origin, người gần đây đã viết một bài luận tố cáo nêu chi tiết về những lo ngại về an toàn và phân biệt giới tính tràn lan tại công ty. "Các kỹ sư thực sự tin vào điều đó và họ cố gắng từng ngày để biến điều đó thành hiện thực bất chấp sự can thiệp của lãnh đạo". Theo Abrams, những rắc rối của Blue Origin đến từ cả khía cạnh kỹ thuật và văn hóa.
Về mặt kỹ thuật, Abrams cho biết công ty đang phải đối mặt với vô số sai lầm. Những thách thức hình thành do kết quả của việc "đi tắt" và tập trung vào tốc độ làm suy yếu các yếu tố khác như động cơ khởi động. Abrams cho hay: "Kỹ thuật là vấn đề mà hầu hết các công ty đều gặp phải nhưng tại Blue Origin, quy mô vấn đề lớn hơn bất cứ công ty nào. Việc chuyển đổi từ một công ty R&D sang một công ty sản xuất đã thực sự thất bại". Abrams cho rằng thách thức ngày càng gia tăng là do Blue Origin ngày càng tập trung vào tốc độ trước áp lực bắt kịp đối thủ là SpaceX. Bà cho biết có thể thấy rõ sự thiếu kiên nhẫn của Bezos đối với tốc độ phát triển, cũng như "sự ghen tị" đối với những tỷ phú khác.
Tuy nhiên, có vẻ như Blue Origin bị ảnh hưởng nhiều hơn chỉ là vấn đề kỹ thuật. Abrams lập luận công ty là nơi các giám đốc điều hành thể hiện hành vi "không phù hợp" đối với phụ nữ và nơi "sự bất đồng chính kiến luôn bị bóp nghẹt". Theo Abrams, văn hóa của Blue Origin bị "đục khoét" từ trên xuống dưới. Theo đó, giám đốc điều hành của Blue Origin, Bob Smith do Bezos dẫn dắt lên làm lãnh đạo vào năm 2017, đã nhiều lần ngó lơ những quan ngại của nhân viên về tính an toàn cũng như văn hóa làm việc tại công ty.
Bản tố cáo của Abrams được đồng ký bởi 20 nhân viên hiện tại và cựu nhân viên Blue Origin ẩn danh. Nhiều cáo buộc đã bị công ty phủ nhận. Một tuyên bố từ Blue Origin cho biết công ty đã sa thải Abrams vì "cảnh báo nhiều lần về các vấn đề liên quan đến quy định kiểm soát xuất khẩu của liên bang", rằng công ty không khoan nhượng đối với hành vi quấy rối hoặc phân biệt đối xử và họ tin rằng tên lửa New Shepard là "phương tiện vũ trụ an toàn nhất từ trước đến nay được thiết kế hoặc xây dựng". Dù vậy, các nhân viên của Blue Origin vẫn tiếp tục lên tiếng. Đầu tuần này, một cuộc điều tra của Washington Post đã lặp lại các vấn đề mà Abrams nêu ra, vẽ ra bức tranh về một tổ chức mất lòng tin vào sự lãnh đạo, phân biệt giới tính và không đủ quan tâm đến sự an toàn của các phương tiện phóng tên lửa.
Nhìn về tương lai, câu hỏi đặt ra cho Blue Origin là liệu công ty có thể đại tu văn hóa để thực hiện sứ mệnh hay không. Nhiều nhà quan sát, bao gồm cả Abrams tỏ ra nghi ngờ, nhưng có lẽ một sự thay đổi sắp xảy ra khi đầu năm nay, Bezos đã từ chức giám đốc điều hành của Amazon và cam kết dành nhiều thời gian hơn để tập trung vào Blue Origin. Liệu Bezos có thể phục hồi nền văn hóa của công ty với tầm nhìn khám phá không gian sẽ do thời gian trả lời.
TL (theo The Guardian)