Tái hiện truyền thống trong sự kiện đặc biệt, xu hướng trong tương lai

09:12 22/01/2023

Người dân ở trong nước và bà con Việt kiều đều đang cùng chung sức gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc theo cách của riêng mình. Việc chọn yếu tố truyền thống trong sự kiện đặc biệt của cá nhân hiện mới chỉ dừng lại ở hiện tượng, nhưng trong tương lai có thể thành xu hướng.

Ảnh minh họa

Hát Quan họ trên sông trong lễ Hằng thuận.

Một mâm cỗ Tết truyền thống với đủ các món, từ giò lụa, giò thủ, chả mỡ, nem rán đến các món rau xào, món canh được chế biến từ những hoa lơ, xu hào, cà rốt, măng, nấm thả, bóng, mực, miến, mọc, rồi bánh chưng, bánh dày, xôi vò... khiến cho thực khách không khỏi trầm trồ. Vừa thưởng thức món ngon Hà Nội, vừa nhấm nháp dư vị văn hóa của mảnh đất linh thiêng khiến bữa tiệc như sợi dây kết nối đưa thực khách trở về với không gian văn hóa Hà Nội xưa.

Trước bữa tiệc, các vị khách đã có một buổi chiều thư thái ngồi trên những chiếc thuyền nhỏ lững thững trôi sông thưởng ngoạn nét đẹp của di sản Tràng An (Ninh Bình) trong tiếng hát quan họ của các liền anh liền chị xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh, Bắc Giang. Buổi sáng hôm sau, họ lại được chứng kiến một lễ hằng thuận (lễ cưới của người Việt theo phong cách Phật giáo) tại chùa Non Nước bên dòng sông Đáy thơ mộng.

Điều đặc biệt, sau những nghi lễ chính thức là chương trình văn nghệ không khác nào ngày hội văn hóa truyền thống Việt Nam đặc sắc, từ đội múa lân sư rồng đến từ Hà Nội đến trích đoạn tuồng cổ “Châu sáng qua sông” ngợi ca tình bạn thủy chung do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn, rồi là những câu hát văn cổ, xẩm dân gian, những bản hòa tấu nhã nhạc cung đình Huế... do nghệ sĩ đến từ Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định trình diễn.

Đáng nói, trong số hơn 100 khách mời thì chủ yếu đến từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Không ít trong số đó trở về từ Mỹ, châu Âu. Ngoài ra, có khoảng chục vị khách đến từ nước bạn Malaysia.

Đọc những dòng trên, nhiều người sẽ nghĩ đây là sự kiện tái hiện nét văn hóa nghệ thuật dân tộc đặc sắc kết hợp giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam với công chúng trong nước và bè bạn quốc tế. Nhưng thực ra, đó là thông tin về lễ cưới của con gái bạn tôi, một nhạc sĩ, đạo diễn âm nhạc nổi tiếng đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

Con gái anh lấy chồng ngoại quốc và đã tổ chức lễ cưới theo đúng phong tục của đạo Hindu ở Malaysia quê hương chú rể. Anh chị mong muốn khi tổ chức ở Việt Nam, lễ cưới phải đậm chất Việt, theo đúng phong tục truyền thống. Vì thế, anh chị quyết định chọn Ninh Bình, nơi có phong cảnh thiên nhiên đặc trưng, đồng thời là một trung tâm di sản văn hóa, lịch sử của đất nước, để tổ chức đám cưới và chọn phong cách Hà Nội, cái nôi văn hóa dân tộc, cho lễ cưới.

Trong một đám cưới khác ở Hà Nội, diễn ra cách nay hơn một năm, khi những câu hát "Xẩm tàu điện": “Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ thắp hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân/ Mùa nào thức ấy xa gần bán mua...” vang lên, và cả “Hôm qua em đi tỉnh về/ Đợi em ở mãi con đê đầu làng/ Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi...”, cả khán phòng cuốn theo lời ca của các nghệ sĩ trên sân khấu.

Có điều, toàn bộ những lời hát quen thuộc ấy, những bài dân ca "đặc sản" của Hà Nội và vùng Đồng bằng Bắc Bộ ấy không thể hiện theo lối thông thường, mà có sự kết hợp với bản hòa âm nhạc điện tử EDM. Thậm chí, một số bài có sự kết hợp với rap. Ý tưởng này là của doanh nhân Phạm Thế Vinh, một người Hà Nội yêu văn hóa Hà Nội và yêu xẩm theo cách riêng.

Khi chương trình “Xẩm và Đời” của nhóm Xẩm Hà thành được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội hồi đầu năm 2015, ngoài giấy mời thì có một số vé được bán để thử “đo” xem xẩm có khán giả không. Không ngờ chỉ trong một ngày, toàn bộ số vé đã được bán hết. Doanh nhân Phạm Thế Vinh thuộc số người đã mua những tấm vé ấy. Anh Vinh chia sẻ, anh sinh ra, lớn lên tại Hà Nội, tuổi thơ và cả quãng đời trai trẻ gắn bó với phố phường và tàu điện. Anh không thể quên những câu hát xẩm, và càng thêm ấn tượng khi chương trình hôm đó có sự kết hợp giữa xẩm cổ truyền với beatbox và nhảy hiphop. Sau đó 5 năm, khi MV “Xẩm Hà Nội” của Hà Myo có sự kết hợp giữa xẩm với rap và EDM, anh đã tìm nghe toàn bộ tác phẩm. Theo anh, xẩm phải mới mẻ như vậy thì mới có thêm khán giả, nhất là khán giả trẻ. Và, đó là lý do khi tổ chức đám cưới cho con gái, anh đã “đặt hàng” một chương trình âm nhạc hiện đại nhưng đậm đà chất liệu dân gian và mang màu sắc truyền thống Hà Nội để "chiêu đãi" các vị khách mời.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Việt Nam (từ ngày 29-11 đến 5-12-2022) tại Bảo tàng Nghệ thuật châu Á (Smithsonian) và Trung tâm Kennedy ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ) đã diễn ra hoạt động trưng bày "Đồ cưới và Dệt may truyền thống Việt Nam thế kỷ XVIII". Người được Ban tổ chức tin tưởng mời tái hiện không gian đám cưới truyền thống của người Việt là Tiến sĩ Đào Thành Lộc - nhà nghiên cứu về văn hóa cổ truyền đang sinh sống, làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Ban tổ chức cũng mời hàng trăm em nhỏ gốc Việt từ 10 - 18 tuổi tham gia hoạt động này. Đặc biệt, ê kíp đã mang nhiều áo dài từ Việt Nam sang để các em cũng như khách mời có thể mặc thử khi tham dự chương trình.

Tuần lễ Việt Nam do Việt Nam Society tổ chức. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập nhằm quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Giám đốc là bà Erin Steinhauer, một người Mỹ gốc Việt, thuộc dòng dõi danh nhân Phạm Phú Thứ - vị đại thần triều Nguyễn đã có nhiều đóng góp cho đất nước, đặc biệt là trong quan hệ bang giao với phương Tây vào thế kỷ XIX. Trước đó, bà Erin Steinhauer đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm lan tỏa văn hóa Việt, giới thiệu các nghệ sĩ Việt Nam với bạn bè Mỹ và Việt kiều. Bà Erin Steinhauer cho biết, là một người luôn hướng về quê hương, yêu văn hóa và truyền thống của Việt Nam, bà mong muốn lan tỏa những giá trị này tới bạn bè quốc tế, nhất là với những người Việt sinh ra, lớn lên ở Hoa Kỳ. “Mang đến cho giới trẻ trải nghiệm về văn hóa truyền thống, về lễ cưới của người Việt chúng ta là mong ước của tôi” - bà Erin Steinhauer nói. Bà cũng cho biết thêm, trong tương lai, sẽ có thêm nhiều Tuần lễ Việt Nam khác được tổ chức nhằm tạo thêm sự gắn kết giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và bè bạn quốc tế cũng như giới trẻ Việt kiều.

Ba hoạt động nói trên tuy có quy mô nhỏ, do cá nhân khởi xướng nhưng lại hết sức ý nghĩa. Việc xuất hiện những hoạt động như vậy đã góp phần bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nhà nước, ngành Văn hóa hết sức quan tâm. Đồng thời, đó cũng là minh chứng cho thấy tinh hoa truyền thống vẫn luôn được trân trọng, gìn giữ, phát huy và hiện hữu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Quang Long (Theo HNMO)