Giới công nghệ những ngày gần đây đang xôn xao về thông tin “người khổng lồ” máy tính IBM chịu chi 34 tỷ USD vào lĩnh vực điện toán đám mây dưới hình thức một thỏa thuận mua bán – sáp nhập với Red Hat, công ty chuyên về mã nguồn mở.
Biểu tượng IBM tại văn phòng ở Hortolandia, Brazil. Ảnh: AFP/ TTXVN
Trước đó hồi tháng Sáu, Microsoft cũng chi 7,5 tỷ USD cho nền tảng lưu trữ mã nguồn mở GitHub với mục đích mở rộng mạng lưới công nghệ phục vụ mảng điện toán đám mây của họ.
Không chỉ hai đại gia trên, mà Amazon và Google cũng đang cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần trong thị trường tiềm năng này. Vậy sức hấp dẫn nào của điện toán đám mây khiến những công ty lớn này đặt cược vào nó nhiều đến vậy?
“Điện toán đám mây” khắp nơi
Hiểu theo nghĩa đơn giản, điện toán đám mây là mô hình điện toán sử dụng các máy chủ thuộc các trung tâm dữ liệu từ xa xử lý các chương trình hoặc dữ liệu mà người dùng hoặc doanh nghiệp có thể truy cập từ bất kỳ nơi nào trên Internet.
Trong quá khứ, các doanh nghiệp thường sử dụng các máy tính lớn cố định do IBM hoặc các đối thủ của họ xây dựng. Nhưng xu hướng bây giờ là những doanh nghiệp này thuê các ứng dụng hoặc kho lưu trữ dữ liệu được xây dựng và duy trì trên đám mây bởi các nhà cung cấp như Amazon hoặc Microsoft.
Sự sắp xếp như vậy cho phép các doanh nghiệp dễ dàng cân đối công suất điện toán theo nhu cầu mà không phải đầu tư vào các trung tâm dữ liệu hoặc bảo trì hệ thống.
Những doanh nghiệp quan tâm đến việc kiểm soát chặt chẽ dữ liệu hoặc quy trình hơn sẽ chọn "đám mây lai" (hybrid cloud), vì chúng cho phép các trung tâm dữ liệu trực tuyến xử lý một số công việc tính toán, đồng thời cho phép các công ty lưu giữ các thông tin nhạy cảm hơn trên máy của riêng họ.
Bằng cách cho phép luân chuyển khối lượng công việc giữa các đám mây riêng và đám mây công cộng khi có những thay đổi về nhu cầu tính toán và chi phí, đám mây lai mang lại cho doanh nghiệp sự linh hoạt và nhiều tùy chọn triển khai dữ liệu hơn.
Điện toán đám mây đã trở nên phổ biến và thiết yếu tới mức gần như mọi hoạt động công nghệ hiện đại đều dựa vào nó.
Công nghệ điện toán đám mây đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xử lý dữ liệu thời gian thực cho các sản phẩm công nghệ mới, như giúp xe ô tô tự lái di chuyển an toàn hơn hoặc khiến các thành phố thông minh phân bổ dịch vụ công dựa theo sự thay đổi về nhu cầu người dân hay tình huống thực tế .
Sự phát triển của lối sống sử dụng các thiết bị di động cũng phụ thuộc nhiều vào điện toán đám mây, khi hầu như mọi người đều có thể xem video trên YouTube, đăng bài trên Facebook và Tweeter, cũng như làm việc khi đang di chuyển.
Các dịch vụ truyền hình trực tuyến như Netflix và Amazon Prime đều được lưu trữ và duy trì bởi các trung tâm dữ liệu trực tuyến.
“Miếng bánh lớn” ai cũng muốn phần
Hiện Amazon Web Services (AWS) được coi là đứng đầu trong lĩnh vực điện toán đám mây, với nền tảng Azure của Microsoft là đối thủ hàng đầu của nó.
Trong báo cáo doanh thu quý III/2018, Amazon đã cho biết doanh thu ròng của AWS đã tăng từ 4,6 tỷ USD hồi cùng kỳ năm ngoái lên 6,7 tỷ USD. Lợi nhuận hoạt động của AWS cũng tăng từ 1,2 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD trong cùng giai đoạn.
Hồi tuần trước, Microsoft cũng công bố báo cáo cho biết doanh thu từ các dịch vụ điện toán đám mây phục vụ nhóm khách hàng doanh nghiệp đã tăng lên 8,5 tỷ USD trong quý III vừa qua, tương đương mức tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu Gartner dự báo rằng thị trường dịch vụ điện toán đám mây công cộng trên toàn thế giới sẽ tăng trưởng đều đặn từ mức 187,2 tỷ USD trong năm nay lên 338 USD vào năm 2022.
Chính vì những dự báo lạc quan này mà IBM đã “đánh cược” với thương vụ lịch sử trị giá 34 tỷ USD với Red Hat. Một khi thương vụ này hoàn tất, Red Hat sẽ giúp IBM tăng tính cạnh tranh và tạo ra nguồn doanh thu mới, cũng như củng cố vị thế của IBM trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp đám mây lai.
Nhưng điện toán đám mây cũng đi kèm với những lo ngại về việc ai đang kiểm soát và bảo vệ dữ liệu trực tuyến vốn được lưu trữ bởi các bên thứ ba. Nền tảng điện toán đám mây là mục tiêu hấp dẫn đối với tin tặc khi họ nhận ra giá trị và sức mạnh trong lượng thông tin khổng lồ đằng sau những bức tường của các trung tâm dữ liệu.
Một số nhà quan sát trong giới công nghệ tin rằng những lo ngại này sẽ dẫn đến khả năng các doanh nghiệp trong tương lai sẽ lựa chọn những biện pháp cân bằng và theo hướng hỗn hợp nhằm bảo vệ các dữ liệu nhạy cảm của họ.
H.Thủy (Tổng hợp)