Toàn cầu hóa đã và đang dần gắn kết các nước trên toàn thế giới lại gần nhau hơn, do đó các sản phẩm vật lý hữu hình (sản phẩm offline) cần được hỗ trợ đưa lên thế giới số (trực tuyến) và ngược lại để tạo ra nhiều giá trị hơn.
Dựa trên xu hướng đó, startup Kardia Labs (có văn phòng tại TP.HCM) vừa đưa ra giải pháp công nghệ Kyokai với mục tiêu làm cầu nối để các sản phẩm vật lý xuất hiện trên thế giới số, giúp sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu.
Theo ông Trí Phạm - Chủ tịch KardiaChain, Kyokai là hệ sinh thái hoàn chỉnh để các nhà sản xuất có thể định danh sản phẩm của họ trên thế giới số. Điều này cũng sẽ mở ra hướng phát triển mới, từ đó gia tăng giá trị của sản phẩm, đặc biệt với những món đồ sản xuất có giới hạn (limited edition).
Kyokai, trong tiếng Nhật có nghĩa là Beyond the Boundaries, là một giải pháp toàn diện (e2e solution) giúp định danh và số hóa nhằm đưa các sản phẩm vật lý trong thế giới thực lên thế giới số. Giải pháp công nghệ Kyokai gồm 2 phần: Hạ tầng kết nối với thế giới online và chíp vật lý NFC gắn vào sản phẩm.
Dựa trên thống kế từ Emergen Research cho thấy, thị trường NFC đạt 23,1 tỉ USD trong năm 2022 và được dự đoán sẽ phát triển mạnh trong những năm sắp tới trên toàn thế giới.
Theo đó, mỗi sản phẩm vật lý sẽ được gắn một chip NFC+. Công dụng của chip là kết nối với app, giúp sản phẩm tự định danh trên ứng dụng. Từ đó,nhà sản xuất và đơn vị kinh doanh, khai thác có thể lưu trữ, quản lý sản phẩm đã được số hóa một cách khoa học.
Phiên bản số cũng sẽ được NFT, mã hóa và lưu trữ bằng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) để đảm bảo tính minh bạch và độc bản.
Công nghệ này có khả năng sẽ khuếch tán thông tin của sản phẩm vật lý từ thị trường truyền thống sang thị trường số. Từ đó người tiêu thụ cũng như những người có nhu cầu mua sản phẩm được tiếp cận thông tin sản phẩm một cách chi tiết, minh bạch và nhanh nhất có thể.
“Chúng tôi tin rằng, trong thập kỷ sắp tới, chúng ta sẽ sống trong một thế giới hội tụ của cả thế giới thực và thế giới số (online - offline convergence). Khi đó, những sản phẩm hoạt động hay địa danh, có vị trí trên thế giới thực sẽ được liên kết trực tiếp và duy nhất với một định danh trên thế giới số. Giải pháp công nghệ Kyokai sẽ giúp bạn thực hiện nhiệm vụ này, đó là gắn kết thế giới thực và ảo lại với nhau”, ông Huy Nguyễn - đồng sáng lập Kardia Labs, CEO KardiaChain, cho biết.
Trên thực tế, một công ty thời trang kỹ thuật số thuộc sở hữu của Nike đã từng ra mắt mẫu giày thể thao web3 bằng cách gắn chip NFC. Đôi giày này có các tính năng tiên tiến như tự động buộc dây, tăng cường ánh sáng, phản hồi xúc giác, điều khiển bằng cử chỉ, phát hiện bước đi và kết nối ứng dụng.
Tại Việt Nam, hồi tháng 11/2022, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa cũng từng sử dụng công nghệ này cho một show thời trang độc đáo diễn ra song song cả ngoài đời thực lẫn trên không gian vũ trụ ảo (metaverse).
“Việt Nam là một đất nước sản xuất rất nhiều sản phẩm độc đáo mang đậm giá trị văn hóa, như các sản phẩm làng nghề, hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Giải pháp công nghệ Kyokai được kỳ vọng sẽ tạo ra lực đẩy, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm Việt và công nghiệp sản xuất của nước nhà. Khi ứng dụng, Kyokai sẽ mang sản phẩm Việt Nam ra toàn thế giới thông qua thế giới số cùng NFT, nâng tầm và khẳng định giá trị của sản phẩm Việt. Đây là một giải pháp công nghệ E2E đầu tiên tại Việt Nam, sẽ là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa sản phẩm của các đơn vị ứng dụng”, ông Trí Phạm cho biết thêm.
Phía đơn vị phát triển Kyokai cũng cho biết, để ứng dụng giải pháp công nghệ này vào sản phẩm, cần đòi hỏi một số yêu cầu nhất định về thiết kế của sản phẩm, khi đó giải pháp công nghệ Kyokai sẽ phát huy được tính năng cao nhất về lâu dài. Giải pháp E2E này có những nền tảng để người tiêu dùng có thể trao đổi các sản phẩm với nhau cả trên online và offline, như với Kardiachain (hạ tầng blockchain), Raramuri (ứng dụng chạy bộ metaverse), Ortho (digital fashion)…
Thu Phương (t/h)